Bài học kinh doanh

Du học sinh Mỹ 18 tuổi gọi vốn cho chuỗi cơm tấm 'fast casual', các Shark tranh nhau đưa deal

Hải Đường 27/08/2024 08:44

Chàng trai 18 tuổi lên kế hoạch mở 10 chi nhánh vào năm 2026, trong đó 8 chi nhánh tại Việt Nam và 2 chi nhánh ở nước ngoài cho chuỗi cơm tấm 'fast casual'.

Xuất hiện trong tập 5, mùa 7 của Shark Tank Việt Nam, Võ Kim Vĩnh, một du học sinh Mỹ 18 tuổi, đã gây ấn tượng mạnh với các shark bằng việc trình bày rõ ràng kế hoạch phát triển thương hiệu ẩm thực Double C - chuỗi nhà hàng cơm tấm fast casual đầu tiên do cậu cùng hai đồng sáng lập khởi xướng.

Võ Kim Vĩnh chia sẻ rằng khi du học tại Mỹ, cậu nhận thấy có rất nhiều nhà hàng Việt Nam nhưng chưa có thương hiệu nào phát triển thành hệ thống lớn mạnh trên toàn quốc. Nhận ra tiềm năng kinh doanh, cậu cùng hai đồng sáng lập quyết định xây dựng thương hiệu Double C với mục tiêu hiện đại hóa ẩm thực Việt Nam.

Du học sinh Mỹ 18 tuổi được Shark Bình chia sẻ: Startup ‘con nhà giàu’ vượt sướng đáng khâm phục hơn ‘con nhà nghèo’ vượt khó
Võ Kim Vĩnh - du học sinh Mỹ 18 tuổi gọi vốn cho dự án cơm tấm Double C

Double C tập trung vào việc cung cấp cơm tấm và bánh mì với giá khởi điểm là 20 ngàn và 15 ngàn đồng/suất. Khách hàng có thể lựa chọn thêm các món ăn kèm như sườn, bì, chả, salad với mức giá từ 60 đến 70 ngàn đồng cho 5 hoặc 8 loại topping. Theo Võ Kim Vĩnh, mô hình fast casual của Double C mang lại trải nghiệm tiện nghi hơn so với fast food truyền thống, hứa hẹn tạo nên sự khác biệt trong lòng khách hàng.

Võ Kim Vĩnh tự tin giới thiệu ba yếu tố làm nên sự đặc biệt của Double C. Thứ nhất, món ăn tại Double C có hương vị khác biệt, phù hợp với cả khách hàng địa phương và khách du lịch quốc tế. Thứ hai, chuỗi nhà hàng sử dụng nông sản sạch, có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thứ ba, Double C cam kết thân thiện với môi trường, sử dụng các vật dụng như hộp cơm làm từ bã mía, nắp nhôm giữ nhiệt, và thìa đũa bằng gỗ, tre.

Hiện tại, Double C đã mở chi nhánh đầu tiên tại khu vực cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. HCM, nơi tập trung nhiều tòa nhà văn phòng cao tầng. Kế hoạch của cậu là mở 10 chi nhánh vào năm 2026, trong đó 8 chi nhánh tại Việt Nam và 2 chi nhánh ở nước ngoài. Võ Kim Vĩnh gọi vốn 5 tỷ đồng đổi lấy 12,5% cổ phần Double C. Cậu cũng nhấn mạnh: “Các Shark đừng lo. Số tiền mà em kêu gọi các Shark vẫn ở trong túi. Tại kế hoạch của em là các Shark sẽ giải ngân cho từng chi nhánh một”.

Kinh nghiệm đúc rút từ chi nhánh đầu tiên, chi phí đầu tư một cửa hàng sẽ là 1 tỷ, có 3 nhân viên phục vụ. Riêng chi nhánh hiện tại có năng lực cung cấp 40-50 suất cơm/ngày trong vòng 3 tiếng buổi trưa với chi phí dao động từ 30-120 đồng/suất. Khách hàng mục tiêu là giới trẻ, nhân viên văn phòng và khách du lịch, khách nước ngoài.

Du học sinh Mỹ 18 tuổi được Shark Bình chia sẻ: Startup ‘con nhà giàu’ vượt sướng đáng khâm phục hơn ‘con nhà nghèo’ vượt khó
Các Shark được mời thưởng thức món cơm tấm Double C

>> Shark Minh Beta chia sẻ điều ít biết về 'cú bắt tay' 5.000 tỷ đồng với Aeon

Shark Bình góp ý rằng nếu định vị là “cơm tấm sang chảnh”, thì giá phải cao hơn cơm tấm bình dân. Shark Hưng cũng chia sẻ rằng việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường sẽ làm tăng chi phí, đồng thời Shark Thái nhận xét số lượng bán ra 40-50 suất/ngày là còn thấp.

Võ Kim Vĩnh giải thích rằng Double C hiện chỉ bán trong 3 tiếng buổi trưa để test sản phẩm. Nếu mở rộng thời gian bán hàng và làm marketing tốt hơn, cậu tin rằng doanh số sẽ tăng gấp 3-4 lần.

Bức tranh tài chính của Double C hiện tại bao gồm doanh thu 150 triệu đồng/tháng với lợi nhuận ròng 20%. Các chi phí chính bao gồm 40-44 triệu đồng tiền nguyên liệu, 50 triệu đồng tiền mặt bằng, và lương 9 triệu đồng/tháng cho 3 nhân viên. Số tiền lãi được dùng để tái đầu tư, và số vốn ban đầu 1 tỷ đồng vẫn chưa dùng hết.

Dù Võ Kim Vĩnh đã cố gắng thuyết phục, Shark Bình và Shark Lê Mỹ Nga vẫn từ chối đầu tư, cho rằng mô hình kinh doanh của startup còn non trẻ và chưa rõ ràng. Câu chuyện mà Kim Vĩnh chia sẻ khiến Shark Bình nhớ lại khi ông mới bước chân vào con đường kinh doanh. “Khi tôi mới 18 tuổi, tôi khởi nghiệp đi buôn chuột máy tính. Lỗ chổng vó, lỗ đến phát sợ ra. Về sau này tôi không bao giờ tìm lại được cảm giác sợ như lúc tôi lỗ mấy trăm nghìn đồng. Đấy là trải nghiệm. Bạn cứ tiếp tục làm đi. Thậm chí sẵn sàng đón nhận thất bại. Lấy cảm nhận đấy chính là cái vốn của mình”.

Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm quan điểm về “startup con nhà giàu” – tức là gia đình hoặc hệ sinh thái có điều kiện. “Tôi có một lời khuyên là các ‘startup con nhà giàu’ need to be extra more careful (càng phải cẩn thận hơn). Bởi vì hầu hết các startup mà tôi đầu tư theo kiểu startup con nhà giàu đều sớm gặp khó khăn trong vấn đề quản lý P&L. Khởi nghiệp mà ‘con nhà nghèo’ vượt khó rất là đáng khâm phục rồi. Thực tế tôi cho rằng startup ‘con nhà giàu’ vượt sướng còn đáng khâm phục hơn rất nhiều bởi vì startup vượt được sướng là có rất nhiều cạm bẫy: bỏ qua cái nọ, bỏ qua cái kia, không tỉ mẩn cái nọ, không tối ưu cái kia. Và đó mới chính là nguyên nhân khiến cho một doanh nghiệp sụp đổ”.

Tuy nhiên, Shark Hưng và Shark Minh Beta lại nhìn thấy tiềm năng và đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của Kim Vĩnh. Sau khi cân nhắc, Kim Vĩnh quyết định chọn Shark Minh Beta làm nhà đầu tư, chấp nhận đề nghị 1,5 tỷ đồng cho 49% cổ phần và giải ngân 3,5 tỷ đồng dựa trên kết quả kinh doanh thực tế.

Với sự hỗ trợ và cố vấn từ Shark Minh Beta, Kim Vĩnh hy vọng sẽ đưa thương hiệu Double C phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế.

"Fast casual" là một mô hình nhà hàng nằm giữa "fast food" (thức ăn nhanh) và "casual dining" (ăn uống thông thường). Nhà hàng fast casual thường cung cấp các món ăn có chất lượng cao hơn so với fast food nhưng lại có tốc độ phục vụ nhanh như nhà hàng thức ăn nhanh và không có dịch vụ phục vụ bàn đầy đủ như tại các nhà hàng casual dining. Một số đặc điểm của mô hình fast casual bao gồm:

Chất lượng món ăn: Món ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi, có chất lượng cao hơn so với các chuỗi fast food, và thường có sự sáng tạo trong thực đơn.
Giá cả: Giá món ăn thường cao hơn so với fast food nhưng thấp hơn so với các nhà hàng ăn uống thông thường.
Dịch vụ: Khách hàng thường tự phục vụ, có thể lấy đồ ăn tại quầy hoặc qua hình thức gọi món qua ứng dụng, tuy nhiên không có phục vụ bàn.
Không gian: Thiết kế không gian thường hiện đại, thoải mái, tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng nhưng không quá sang trọng như các nhà hàng cao cấp.

>> Nữ CEO gọi vốn cho startup đồ thể thao, được 3 cá mập săn đón, Shark Bình vội sửa deal

Lần thứ hai trong Shark Tank mùa 7, Shark Bình và Shark Minh cùng 'bắt tay' ra deal

Mở màn Shark Tank mùa 7: Nữ Tiến sĩ - Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đi gọi vốn, các Shark 'mặc cả toát mồ hôi'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-hoc-sinh-my-18-tuoi-duoc-shark-binh-chia-se-startup-con-nha-giau-vuot-suong-dang-kham-phuc-hon-con-nha-ngheo-vuot-kho-246767.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Du học sinh Mỹ 18 tuổi gọi vốn cho chuỗi cơm tấm 'fast casual', các Shark tranh nhau đưa deal
    POWERED BY ONECMS & INTECH