Bất động sản

Dự kiến gần 1.200km đường bộ cao tốc sẽ hoàn thành trong năm 2025

Việt Hoàng 05/02/2025 - 14:32

Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản 17 dự án với tổng chiều dài 889km, trong khi 11 dự án còn lại do địa phương quản lý với tổng chiều dài 299km.

Theo ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), trong năm 2025, Bộ dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.188km đường bộ cao tốc, bao gồm 28 dự án và dự án thành phần.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản 17 dự án với tổng chiều dài 889km, trong khi 11 dự án còn lại do địa phương quản lý với tổng chiều dài 299km.

Các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ gồm 10 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa (610km), cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51,5km), tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29km) và tuyến Bến Lức - Long Thành (55km, trừ cầu Phước Khánh).

Tuy nhiên, có 4 dự án đang gặp khó khăn cần tháo gỡ gồm dự án Hòa Liên - Túy Loan (11,5km) và dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (18km).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Ban Quản lý dự án 85 được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời giải quyết triệt để vấn đề cung ứng vật liệu thi công như đá và đất đắp.

Đối với các dự án địa phương làm chủ quản, hiện có 2 dự án, bao gồm thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và thành phần 7 Vành đai 3 TP. HCM với tổng chiều dài 26km, cơ bản đáp ứng tiến độ và không còn nhiều vướng mắc.

>> Tỉnh lớn nhất Việt Nam sắp đón nhà máy điện khí LNG hơn 2 tỷ USD

Tuy nhiên, 9 dự án khác với tổng chiều dài 158km vẫn chưa đạt yêu cầu, gặp trở ngại về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn cung vật liệu xây dựng.

Các dự án này bao gồm đoạn Tuyên Quang - Hà Giang, các thành phần 1 và 3 của cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, các thành phần 1, 3 và 5 thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM, cũng như thành phần 1 của các tuyến Cao Lãnh - An Hữu và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, nếu hoàn thành toàn bộ 1.188km cao tốc đang triển khai, ngành sẽ vượt mục tiêu 3.000km đường cao tốc do Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 300km cần giám sát chặt chẽ.

Các dự án do địa phương quản lý cần được Cục Đường cao tốc Việt Nam theo dõi thường xuyên để tham mưu kịp thời, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết thêm, các dự án giao thông lớn hiện nay đối mặt với thách thức về vật liệu thi công nền móng, đặc biệt tại khu vực Tây Nam Bộ và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ban Quản lý dự án cần tổng hợp nhu cầu vật liệu thi công và xây dựng kế hoạch khai thác từ các mỏ vật liệu phù hợp để điều phối giữa các dự án.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh nhấn mạnh, các dự án đi qua khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang là mối quan ngại lớn.

Các chủ đầu tư cần thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực nhà thầu, đồng thời cử đội ngũ quản lý dự án hiện diện tại công trường để kịp thời phối hợp với tư vấn, nhà thầu và cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

Bộ trưởng cũng lưu ý, trong năm 2025, ngành giao thông vận tải phải đối mặt với khối lượng công việc rất lớn. Đường bộ cần đạt mục tiêu 3.000km cao tốc; ngành đường sắt phải khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hoàn thành nghiên cứu đầu tư cho nhiều tuyến mới; trong khi ngành hàng không phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nghiên cứu giai đoạn 2 cho những đoạn tuyến cao tốc sẽ hoàn thành vào dịp 30/4 tới đây, đồng thời chuẩn bị phương án triển khai cho các dự án về đích trong giai đoạn sau.

Ông cũng đặc biệt quan tâm đến tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, khi một số gói thầu lớn chưa lựa chọn được nhà thầu và tổng khối lượng thực hiện mới đạt khoảng 30%.

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng hàng không này đang có nguy cơ chậm tiến độ, đòi hỏi các giải pháp tháo gỡ nhanh chóng. Đối với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan chuyên môn hỗ trợ hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng hoàn tất các thủ tục đầu tư giai đoạn 2 để sớm phát huy hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án nâng cấp Quốc lộ 51 lên quy mô 8 làn xe theo hai hình thức: Đầu tư PPP hoặc đầu tư công có thu phí.

Trước mắt, cần giải quyết triệt để các vấn đề tài chính tồn đọng và hoàn thiện thủ tục đầu tư để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5/2025. Đồng thời, các dự án cao tốc đang khai thác cần được hoàn thiện thủ tục đầu tư đồng bộ nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành trong tương lai.

>> TP giàu nhất Việt Nam sẽ khởi công 4 dự án hạ tầng hơn 42.000 tỷ trong năm 2025

Taseco Land sắp triển khai khu đô thị hơn 3.200 tỷ tại huyện nằm sát sân bay, cao tốc, vành đai

Chỉ đạo mới nhất của Bộ Giao thông vận tải về 21 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/du-kien-gan-1200km-duong-bo-cao-toc-se-hoan-thanh-trong-nam-2025-202250205111432781.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Dự kiến gần 1.200km đường bộ cao tốc sẽ hoàn thành trong năm 2025
    POWERED BY ONECMS & INTECH