Đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD: Huy động nguồn vốn từ đâu?
Trường hợp vay nước ngoài, phải đi kèm ưu đãi, ít ràng buộc và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Chiều ngày 1/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao  trục Bắc - Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh đây là dự án quy mô lớn, mang tính đặc biệt và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, với quá trình nghiên cứu kéo dài 18 năm, từ 2006 đến nay. Ba vấn đề trọng tâm trong quá trình nghiên cứu là nguồn vốn, tốc độ khai thác, và công năng vận tải (vận chuyển hành khách hoặc kết hợp với hàng hóa).
Về nguồn vốn đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định, theo Luật Đầu tư công, dự án sẽ được triển khai bằng 100% vốn ngân sách nhà nước. Nguồn vốn này có thể bao gồm thu chi ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ trong nước hoặc vay vốn nước ngoài.
"Trường hợp vay nước ngoài, phải đi kèm ưu đãi, ít ràng buộc và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam", ông Huy thông tin.
Ảnh minh họa Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam |
>> Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD: Giá vé chính thức được hé lộ 
Trao đổi thêm với VietNamNet bên lề hội nghị, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc BQL Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, theo đề án nghiên cứu, dự án sẽ được sử dụng vốn đầu tư công.
Theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, dự án cần được khởi công vào năm 2027 và hoàn thành trước năm 2035. Bộ GTVT cam kết nỗ lực thực hiện đúng tiến độ, quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa" để hoàn thành chỉ đạo của Chính phủ.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.541km, với tốc độ thiết kế 350km/h, là tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, và được điện khí hóa. Tuyến đường sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Trên toàn tuyến có 23 ga hành khách, với khoảng cách trung bình 50-70km, cùng 5 ga hàng hóa gắn với các đầu mối phục vụ hậu cần quốc phòng khi cần thiết.
Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 67 tỷ USD, được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, trải dài trong khoảng 12 năm với mức phân bổ trung bình khoảng 5,6 tỷ USD mỗi năm.
Quy trình lập dự án đã nghiên cứu 2 phương án đầu tư gồm:
Phương án đầu tư toàn tuyến, dự kiến hoàn thành vào năm 2035: Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM sẽ khởi công năm 2027, còn đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028 và hoàn thành năm 2035.
Phương án đầu tư phân kỳ hai giai đoạn, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2040: Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM khởi công năm 2027 và hoàn thành năm 2030; đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2030 và hoàn thành năm 2040.
Bộ GTVT nhấn mạnh rằng phương án đầu tư toàn tuyến mang lại hiệu quả cao hơn, giúp thu hút lượng hành khách lớn ngay từ khi tuyến đường được đưa vào khai thác.
>>Đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD: Điểm danh loạt doanh nghiệp hưởng lợi lớn 
Đường sắt cao tốc Bắc Nam quy mô 67 tỷ USD: Yêu cầu đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể 
Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Khẩn trương báo cáo cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h