Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có độ an toàn cao không kém Shinkansen ở Nhật Bản
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sở hữu nhiều điểm mạnh vượt trội để người dân có thể ưu tiên lựa chọn.
Chiều 29/10, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức” với sự tham gia của các lãnh đạo cơ quan quản lý, chuyên gia, nhằm phân tích các khía cạnh được dư luận quan tâm về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam . Các vấn đề được đề cập bao gồm nguồn vốn, tốc độ, cùng hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án.
Tại tọa đàm, Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhấn mạnh vai trò và lợi thế đặc trưng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, vận tải  đường sắt sở hữu năng lực vận tải lớn, hiệu suất cao, an toàn và chi phí vận hành trung bình. Theo dự báo, nhu cầu vận tải hàng hóa trên trục Bắc - Nam sẽ đạt hơn 18,2 triệu tấn/năm vào năm 2050 với 122,7 triệu lượt khách.
Ông Khánh lưu ý rằng, bên cạnh việc phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chủ yếu dành cho vận tải hành khách, cần tiếp tục nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu để phục vụ vận tải hàng hóa chuyên ngành, bao gồm hàng nặng, khí hóa lỏng, xăng dầu, và khí LNG.
Với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối đồng bộ 5 phương thức vận tải chủ yếu: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa, giúp tối ưu hóa hệ thống vận chuyển và giảm chi phí logistics, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đề cập tới các điểm mạnh của đường sắt tốc độ cao, ông Khánh nhấn mạnh ba ưu thế chính.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Dương Tuấn |
Thứ nhất là độ an toàn cao. Hệ thống đường sắt tốc độ cao nổi tiếng về mức độ an toàn. Điển hình như Shinkansen ở Nhật Bản, từ khi hoạt động năm 1964 đến nay chưa xảy ra tai nạn nào.
Thứ hai, thời gian di chuyển chính xác. Đường sắt tốc độ cao luôn duy trì lịch trình chính xác từng phút.
Thứ ba là sự tiện lợi và thoải mái cho hành khách. Hành khách có không gian rộng rãi, dễ di chuyển trên tàu, và các nhà ga thường được đặt tại các khu vực dân cư đông đúc, tạo sự thuận tiện hơn so với các phương thức giao thông khác.
Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được điện khí hóa, thân thiện với môi trường, góp phần giảm ô nhiễm và mang lại hiệu quả bền vững về môi trường.