Ngày 4/5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chính thức công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm.
Cụ thể, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 3,25% như dự kiến, đồng thời cho biết sẽ ngừng tái đầu tư tiền mặt từ các khoản nợ đáo hạn trong Chương trình mua tài sản trị giá 3,2 nghìn tỷ euro của mình từ tháng 7. Cơ quan này không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về quyết định tăng/giảm lãi suất trong thời gian tới, tuyên bố của ECB nhấn mạnh quyết định này sẽ được đưa ra dựa trên dữ liệu kinh tế và tài chính sắp tới cũng như triển vọng lạm phát.
Thông báo của ECB được đưa ra sau khi số liệu lạm phát được công bố vào đầu tuần này cho thấy tỷ lệ lãi suất cơ bản đã tăng lên 7% trong tháng 4. Đồng thời, lạm phát cơ bản, loại trừ giá lương thực và năng lượng, giảm nhẹ xuống 5,6%.
ECB đã nâng lãi suất kỷ lục 350 điểm cơ bản kể từ tháng 7/2022. Bất chấp việc tăng lãi suất liên tục kể từ đó, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang cũng đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản chỉ một ngày trước đó, nâng mức lãi suất cơ bản lên biên độ 5% tới 5,25%, mức cao nhất trong vòng 16 năm qua. Quyết định tăng lãi suất của 2 ngân hàng trung ương được đưa ra vào thời điểm áp lực đối với các ngân hàng khu vực vẫn chưa tan biến.
Hồi giữa tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, bất chấp một số kêu gọi tạm dừng tăng lãi suất do cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ lan sang châu Âu. Đầu tháng 4, một số thành viên của ECB cũng đã cảnh báo về nguy cơ tác động dây chuyền từ sự sụp đổ của một số ngân hàng đến nền kinh tế toàn cầu trong quá trình giải quyết vấn đề lạm phát.
Sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, người dân tại 20 quốc gia thành viên Eurozone đang bắt đầu cảm thấy tác động từ chính sách tăng lãi suất của ECB. Dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Eurozone chỉ ở mức 0,1% so với quý 4/2022 do tiêu dùng nội địa ở nhiều nền kinh tế đình trệ. Đây là dấu hiệu cho thấy, lạm phát gia tăng và thu nhập thực tế giảm, đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, EU đã ghi nhận số liệu thị trường lao động khởi sắc khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,5% trong tháng 3/2023, mức thấp nhất kể từ khi Eurostat bắt đầu tổng hợp số liệu thất nghiệp vào tháng 4/1998.
Những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của châu Âu năm 2025 
Giá vàng thế giới tăng, cổ phiếu Hàn Quốc lao dốc sau vụ thiết quân luật