Đây là eo biển luôn hứng chịu những trận bão kinh hoàng tạo ra các con sóng lớn, cộng thêm núi băng trôi, trở thành nỗi ám ảnh với bất cứ thủy thủ nào đi qua.
Từ thế kỷ 16, nhờ những cuộc phát kiến địa lý vĩ đại của những nhà thám hiểm hàng hải thế giới, nhân loại mới dần biết tới những vùng đất mới, những vùng biển mới. Một trong số đó là eo biển Drake, phân cách Nam Mỹ và châu Nam Cực .
Nhưng sự nguy hiểm của eo biển này được tính bằng mạng sống của biết bao thủy thủ, nên phải mất rất nhiều năm, khu vực này mới có người "dám" ghé qua. Phần lớn trong số đó là những người đi biển lão luyện, thủy thủ dày dặn kinh nghiệm hoặc những nhà thám hiểm.
"Mảnh đại dương đáng sợ nhất hành tinh", Alfred Lansing miêu tả về hành trình vượt qua eo biển Drake của nhà thám hiểm Ernest Shackleton trên chiếc thuyền cứu sinh nhỏ. Eo biển Drake kết nối mũi phía nam của Nam Mỹ với điểm cực bắc của bán đảo Nam Cực. Từng là nơi chỉ có các nhà thám hiểm và thủy thủ dày dặn kinh nghiệm qua lại, Drake ngày nay là thách thức lớn với những người muốn đến Nam Cực, và số lượng này ngày càng tăng. Họ sẽ phải mất tới 48 tiếng để vượt qua eo biển và có thể tự hào khi chuyến đi thành công.
Rộng khoảng 1.000km, eo biển Drake là cửa ngõ để tàu thuyền tiến vào vùng biển Nam Cực. Vùng nước nguy hiểm này còn có tên gọi khác theo tiếng Tây Ban Nha là "Mar de Hoces".
Sự nguy hiểm chết chóc của eo biển Drake đến từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên là những dòng nước biển ấm và lạnh cùng tồn tại dưới các luồng nước. Sự hòa trộn hai dòng nóng - lạnh trong khu vực chỉ rộng 1.000km mà không có khối đá ngầm giảm tốc khiến luồng nước di chuyển cực mạnh, tạo nên hàng loạt "sát thủ" đáng sợ với người đi biển. Đó là những đợt sóng thần lớn, hoàn toàn có thể nhấn chìm tàu thuyền bất cứ lúc nào.
Tiếp đến, do nằm gần Nam Cực nên eo biển Drake là nơi tập hợp của những luồng gió cực mạnh, cực lạnh, với vận tốc đạt 10m/giây, nhiệt độ dao động từ -3 độ C tới 5 độ C.
"Đây là nơi duy nhất trên thế giới những cơn gió có thể thổi khắp địa cầu mà không đâm vào đất liền, trong khi đất có xu hướng làm suy yếu bão", Alexander Brearley, nhà hải dương học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, cho biết.
Theo Brearley, gió có xu hướng thổi từ tây sang đông, các vĩ độ từ 40 đến 60 nổi tiếng với những cơn gió mạnh. Nhưng gió bị các khối đất làm chậm lại. Đó là lý do các cơn bão Đại Tây Dương có xu hướng đâm vào Ireland và Anh, sau đó suy yếu khi tiếp tục đi về phía đông, tiến vào châu Âu lục địa.
Không có khối đất nào để làm chậm gió ở vĩ độ của eo biển Drake. Vì vậy, gió có thể thổi mạnh khắp địa cầu, tăng tốc rồi đâm vào tàu thuyền.
Yếu tố thứ 3 gây nguy hiểm, đó là thời tiết ở vùng nước này rất khó đoán định. Mọi dự báo thời tiết gần như đều bị những cơn bão biển lớn vô hiệu hóa. Người ta rất khó nắm bắt được khi nào có bão, khi nào không bão tại vùng biển đáng sợ này.
Có thể thấy, từ những luồng nước chảy xiết với lưu lượng lên tới 150 triệu m3 nước mỗi giây (gấp 600 lần lưu lượng nước trên sông Amazon, kết hợp cùng cơn gió lạnh "cắt thịt", trận bão biển khổng lồ không được dự báo trước, tất cả đã biến nơi này thành "eo biển tử thần", là một trong những vùng biển chết chóc nguy hiểm nhất của đại dương trên Trái đất.
Với các nhà hải dương học, eo biển Drake là một địa điểm hấp dẫn. Nơi đây có nhiều núi ngầm, và dòng nước lớn lách qua eo biển hẹp khiến sóng đập vào những ngọn núi dưới nước. Những cơn sóng ngầm này tạo ra các dòng xoáy đưa nước lạnh từ dưới biển sâu lên trên. Quá trình này rất quan trọng với khí hậu Trái đất.
*Theo Emin Yogurtcuoglu, Job van der Veer, Fox News
>> Du khách Việt 4 lần đến Nam Cực, hạnh phúc tột độ làm điều 'cả đời chỉ có 1 lần'