EU chính thức kích hoạt đạo luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI
Ủy ban EU sẽ có thẩm quyền phạt các công ty tới 35 triệu euro (38 triệu USD) hoặc 7% doanh thu toàn cầu hàng năm nếu vi phạm Đạo luật AI.
Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua thỏa thuận cuối cùng về Đạo luật AI - văn bản pháp lý đầu tiên trên thế giới quy định toàn diện về trí tuệ nhân tạo (AI). Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang gấp rút xây dựng khung pháp lý để kiểm soát công nghệ đang phát triển nhanh chóng.
Ông Mathieu Michel, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số của Bỉ nhấn mạnh: "Việc thông qua đạo luật AI là một cột mốc quan trọng đối với Liên minh châu Âu".
"Với Đạo luật AI, Châu Âu khẳng định tầm quan trọng của sự tin cậy, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi ứng dụng các công nghệ mới, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực này", ông Michel nói thêm.
Đạo luật AI áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro, theo đó các ứng dụng AI sẽ được quản lý khác nhau tùy thuộc vào mức độ rủi ro đối với xã hội.
Cụ thể, đạo luật sẽ cấm hoàn toàn các ứng dụng AI có mức độ rủi ro cao , bao gồm hệ thống "chấm điểm xã hội", các mô hình dự báo an ninh và nhận dạng cảm xúc tại nơi làm việc và trường học.
Bên cạnh đó, đạo luật này cũng theo dõi và kiểm soát chặt chẽ việc phát triển các hệ thống AI có rủi ro cao như xe tự hành, thiết bị y tế, ứng dụng trong lĩnh vực tài chính và giáo dục.
Các “ông lớn” công nghệ Mỹ rơi vào tầm ngắm
Ông Matthew Holman, chuyên gia luật tại công ty Cripps, nhận định Đạo luật AI sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi cá nhân, tổ chức tham gia phát triển, sáng tạo, sử dụng hoặc kinh doanh AI tại EU. Đặc biệt, các "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ sẽ chịu tác động lớn.
"Đạo luật AI của EU là văn bản pháp lý đầu tiên trên thế giới thiết lập một khung quản lý toàn diện  về AI", ông Holman nhấn mạnh.
Theo ông Holman, các tập đoàn công nghệ Mỹ đã theo sát quá trình xây dựng luật này. Nhiều hệ thống AI phục vụ công chúng được đầu tư mạnh sẽ phải điều chỉnh để tuân thủ các quy định mới, dự kiến khá nghiêm ngặt ở một số khía cạnh.
Ủy ban châu Âu sẽ có quyền phạt các công ty vi phạm Đạo luật AI với mức phạt lên tới 35 triệu euro (khoảng 38 triệu USD) hoặc 7% doanh thu toàn cầu hàng năm, tùy theo mức nào cao hơn.
Việc EU đẩy nhanh hoàn thiện Đạo luật AI một phần do sức ảnh hưởng sâu rộng của ChatGPT kể từ tháng 11/2022. Các nhà lập pháp nhận thấy khuôn khổ pháp lý hiện tại chưa đủ chi tiết để điều chỉnh các khả năng tiên tiến của công nghệ AI tạo sinh mới nổi cũng như các rủi ro liên quan đến việc sử dụng tài liệu có bản quyền.
Đạo luật AI đặt ra những quy định nghiêm ngặt đối với các hệ thống AI tạo sinh, như bắt buộc tuân thủ luật bản quyền EU, công khai quy trình đào tạo mô hình , thường xuyên kiểm tra và đảm bảo an ninh mạng.
Tuy nhiên, theo bà Dessi Savova, chuyên gia tại công ty luật Clifford Chance, sẽ cần thời gian để các quy định này có hiệu lực thực tế. Các hạn chế đối với hệ thống AI mục đích chung sẽ chỉ bắt đầu áp dụng sau 12 tháng kể từ ngày Đạo luật AI có hiệu lực.
Đặc biệt, các hệ thống AI tạo sinh hiện có trên thị trường như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google và Copilot của Microsoft sẽ được hưởng "thời gian chuyển tiếp" kéo dài 36 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực để điều chỉnh công nghệ cho phù hợp.
Theo CNBC
>> Hoàng tử Hà Lan cảnh báo châu Âu tụt hậu trên đường đua AI so với Mỹ, Trung Quốc