Ngày mai (4/12), China Evergrande Group sẽ ra tòa ở Hong Kong để giải quyết yêu cầu của chủ nợ đòi tập đoàn phải đóng cửa.
Hai năm sau vụ vỡ nợ gây chấn động thế giới và đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc khủng hoảng bất động sản  ở Trung Quốc, Evergrande  lại đang đứng trước một cột mốc quan trọng khác: nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc có thể bị phát mại.
Ngày mai (4/12), China Evergrande Group sẽ ra tòa ở Hong Kong để giải quyết yêu cầu của chủ nợ đòi tập đoàn phải đóng cửa. Để tránh kịch bản tệ nhất và kết thúc vụ kiện đã kéo dài 18 tháng, Evergrande sẽ phải thuyết phục thẩm phán rằng họ có một kế hoạch tái cấu trúc nợ hợp lý và chắc chắn.
Nếu không, Evergrande sẽ phải phát mại, tức bán tất cả các tài sản của mình để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán. Phần tài sản còn lại sau khi hoàn tất các nghĩa vụ trả nợ sẽ được chia đều cho các cổ đông theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ. Điều này sẽ không chỉ khiến Evergrande chao đảo mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Evergrande vẫn đang nỗ lực tái cơ cấu số nợ hàng trăm tỷ USD. Trong diễn biến mới nhất ngay trước phiên tòa, một nhóm chủ nợ nước ngoài yêu cầu nắm cổ phần kiểm soát ở Evergrande cũng như công ty con đang niêm yết ở Hong Kong.
Nhóm chủ nợ hiện nắm giữ hơn 6 tỷ USD trong số 19 tỷ USD trái phiếu USD do Evergrande phát hành. Họ mong muốn đổi nợ lấy cổ phần kiểm soát. Trước đó Evergrande đề xuất tỷ lệ 17,8% cổ phần của công ty mẹ và 30% cổ phần tại 2 công ty con Evergrande Property Services và China Evergrande New Energy Vehicle.
Chưa rõ phản ứng của Evergrande ra sao, nhưng chuyên gia phân tích Zerlina Zeng của CreditSights nhận định vì sắp tới phiên tòa nên nhiều khả năng Evergrande sẽ phải nhượng bộ.
Gánh nợ lên tới 327 tỷ USD, Evergrande trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc sau khi chính thức vỡ nợ vào tháng 12/2021. Bước sang năm 2023, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường, trong đó gần đây xuất hiện cả danh sách 50 nhà phát triển sẽ được giải cứu. Tuy nhiên có rất ít dấu hiệu cho thấy Evergrande được hưởng lợi.
Cuối tháng 9, tập đoàn hủy cuộc họp quan trọng với các chủ nợ vào phút chót, cho biết sẽ đánh giá lại kế hoạch tái cơ cấu. Trong cùng tháng đó, nhà sáng lập Hứa Gia Ấn bị quản thúc.
Nếu tòa Hong Kong ra phán quyết yêu cầu Evergrande ngừng kinh doanh, tương lai của các chủ nợ và những khách hàng đã mua nhà sẽ trở nên mờ mịt hơn. Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu quyết định của tòa Hong Kong có được chấp nhận và thi hành ở đại lục hay không. Ngoài ra, số phận của những ngôi nhà đã được bán nhưng chưa xây xong (ước tính trị giá 604 tỷ nhân dân tệ) sẽ ra sao.
>> Không ai muốn mua nhà, kinh tế Trung Quốc trả giá vì đặt cược tất cả vào bất động sản
Sốc với danh mục bất động sản rải khắp toàn cầu của vợ cũ ông chủ 'bom nợ' Evergrande 
Trung Quốc dự tính áp án phạt kỷ lục cho PWC, vì đâu nên nỗi?