Fed giữ lãi suất cao nhất 23 năm: Giá vàng, tỷ giá sẽ ra sao?
Mỹ giữ nguyên lãi suất lần thứ 7 liên tiếp, ở mức cao nhất 23 năm và dự báo chỉ cắt giảm một lần trong năm 2024. Những thay đổi này tác động thế nào tới giá vàng, đồng USD và tỷ giá tại các nước?
Giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) rạng sáng 13/6 (giờ Việt Nam) đã quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu lần thứ 7 liên tiếp sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, đúng như dự báo của thị trường. Theo đó, lãi suất tham chiếu tại Mỹ đứng vững ở mức cao nhất 23 năm: 5,25-5,5%/năm.
Quyết định của Fed không có gì bất ngờ bởi trước đó, các tín hiệu trên thị trường cho thấy gần 100% Fed sẽ không hạ lãi suất trong cuộc họp vào rạng sáng nay. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên nằm ở những phát biểu của Chủ tịch Jerome Powel và quan điểm của các quan chức Fed.
Sau cuộc họp, ông Powel cho biết, lạm phát đã giảm đáng kể nhưng vẫn ở mức cao. Ông chủ Fed cũng tái khẳng định mục tiêu lạm phát dài hạn là 2%, đồng thời cho biết thị trường lao động vẫn tích cực (với sự tham gia của những người nhập cư), nền kinh tế vẫn vững chắc.
Ông Jerome Powel cho hay nếu nền kinh tế Mỹ vẫn vững chắc và lạm phát vẫn tiếp tục cao, thì lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Điều bất ngờ còn nằm ở tín hiệu từ biểu đồ dot-plot, biểu đồ thể hiện dự báo lãi suất của các thành viên FOMC, cho thấy chỉ có 1 đợt hạ lãi suất 25 điểm phần trăm (xuống 5-5,25%/năm) trong năm 2024, thay vì 3 lần như tín hiệu trong cuộc họp hồi tháng 3.
Đáng chú ý, biểu đồ dot-plot còn cho thấy trong 12 thành viên Fed, có tới 4 quan chức ủng hộ không giảm lãi suất trong năm nay do lạm phát vẫn dai dẳng hơn dự báo.
Các quan chức Fed tỏ ra “diều hâu” hơn dự báo của thị trường.
Cũng theo biểu đồ dot-plot, các quan chức Fed kỳ vọng sẽ giảm lãi suất quyết liệt hơn trong năm 2025, với 4 đợt giảm lãi suất tổng cộng 100 điểm phần trăm (xuống 4-4,25%/năm). Trong cuộc họp hồi tháng 3, Fed chỉ dự báo 3 đợt giảm trong năm 2025.
Tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cũng khẳng định rõ ràng rằng, “lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, nhưng vẫn còn cao" dù “có tiến triển nhẹ hướng về mục tiêu 2%” trong vài tháng gần đây.
Tín hiệu mới từ Fed tác động ra sao tới vàng, đồng USD?
Như vậy, thông điệp chính của Fed là lạm phát vẫn còn cao và Fed cần duy trì lập trường chính sách thắt chặt thêm một thời gian nữa.
Động thái này lập tức chặn đà giảm của đồng USD trong phiên giao dịch rạng sáng 13/6 (giờ Việt Nam), đồng thời giảm bớt sự hưng phấn trên thị trường vàng.
Trước đó, đầu phiên giao dịch 12/6 trên thị trường New York - Mỹ (đêm 12/6 giờ Việt Nam), đồng USD lao dốc và giá vàng tăng mạnh sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 hạ nhiệt nhanh hơn so với dự báo.
Cụ thể, chỉ số CPI của Mỹ không biến động trong tháng 5 sau khi tăng 0,3% trong tháng 4. Các nhà kinh tế trước đó cho rằng mức tăng CPI trong tháng 5 là 0,1%.
So với cùng kỳ, CPI tháng 5 tăng 3,3%, vẫn còn cao so với mục tiêu 2% của Fed. Tuy nhiên, nó khiến giới đầu tư bớt lo lắng về khả năng giá cả lạm phát leo thang trở lại. Mức 3,3% cũng thấp hơn nhiều so với 6,5% hồi cuối năm 2022 và 9,1% hồi tháng 6/2022. Trong tháng 5, lạm phát lõi của Mỹ (loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2%, thấp hơn so với mức dự báo 0,3%.
Theo nhiều dự báo trước đó, với dự kiến 2-3 lần hạ lãi suất trong năm 2024 của Fed, giá vàng giao ngay sẽ đạt mức 2.400-2.500 USD/ounce, thậm chí có thể lên 3.000 USD/ounce (tương đương 92 triệu đồng/lượng).
Trên thực tế, kỳ vọng này từng đẩy giá vàng lên mức 2.450 USD/ounce (ngày 12/4) sau khi cuộc họp trong tháng 3 của Fed đưa ra tín hiệu có 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024.
Với những diễn biến mới và sự thận trọng lên cao của Fed khi dự kiến chỉ hạ lãi suất một lần, điều này đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ còn ở mức cao, qua đó giữ giá vàng khó tăng mạnh trong nửa cuối năm 2024.
Đây được xem là yếu tố hỗ trợ cho nỗ lực bình ổn giá vàng miếng SJC tại Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN đang bán vàng miếng SJC cho người dân có nhu cầu thông qua 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty SJC với mức giá gần 77 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới quy đổi gần 5,1 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng).
Gần đây, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới (trong đó có ECB của EU, BOC của Canada) giảm lãi suất sớm hơn so với Fed, hỗ trợ USD treo ở mức cao. Đây cũng là yếu tố gây áp lực lên giá vàng quốc tế.
Trên thực tế, thị trường tài chính quốc tế vài năm gần đây có những thay đổi khó lường và khó dự báo. Không loại trừ khả năng Fed lại có những cú “bẻ lái” mạnh trong thời gian còn lại của năm.
Dù vậy, trước mắt nền kinh tế Mỹ được đánh giá vẫn vững vàng, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh dù đã chậm lại so với năm trước. Điều kiện của thị trường lao động phần lớn đã trở lại mức trước dịch COVID-19.
Các số liệu là như vậy, nhưng giới đầu tư và chính bản thân Fed cũng tính đến rủi ro nếu hành động quá trễ, chậm giảm lãi suất. Song trước mắt, quan điểm của Fed vẫn là: chưa phải là thời điểm hợp lý để hạ lãi suất.
>> Giá vàng hôm nay 13/6: tiếp tục tăng sau khi Fed kết thúc 2 ngày họp
Giá vàng hôm nay 13/6: tiếp tục tăng sau khi Fed kết thúc 2 ngày họp 
Giá vàng miếng giữ nguyên 5 ngày, nhu cầu người dân mua vẫn cao