Nhiều nông dân ở nước ta đã áp dụng bí quyết chăn nuôi hết sức độc đáo là cho vật nuôi nghe nhạc. Nghe tưởng đùa nhưng những mô hình chăn nuôi lạ lùng này đã đem lại hiệu quả cao, giúp họ lãi lớn.
Cho vịt nghe nhạc sàn, thu tiền tỷ
Anh Lê Xuân Nam (47 tuổi, phường Tự Lạn, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đang sở hữu một trang trại nuôi vịt lớn. Điểm đặc biệt của trang trại này là chăn nuôi vịt kết hợp với âm nhạc.
Theo chia sẻ của anh Nam trên Báo Tuổi Trẻ, ý tưởng cho vịt nghe nhạc hình thành từ năm 2000, khi anh vẫn còn đang nuôi heo.
Hồi đó, do nuôi heo gần nhà nên thường mở đài thật to để đỡ buồn, nhiều lúc quên tắt. Dần dần, anh thấy đàn heo không bị xô lệch, không chạy loạn, thịt cũng ngon hơn đàn khác.
Sau đó, anh Nam cũng thử cho gà nghe nhạc. Bình thường, gà hễ thấy người là bay tứ tung. Nhưng khi được nghe nhạc chúng lại thuần tính.
Năm 2020, anh chuyển hướng nuôi vịt vì tiềm năng lớn. "Vịt từ lúc bắt về đến lúc xuất bán được nghe các loại từ chèo, cải lương, quan họ đến nhạc sàn, chỉ giảm âm lượng vào buổi tối. Con nào con nấy khỏe mạnh, ăn tốt", anh Nam kể.
Anh Nam thường xuyên đổi nhạc trong các chuồng vịt để thay đổi không khí nhưng không tắt nhạc cho tới khi xuất chuồng.
Đến nay, anh Nam có trong tay trang trại hàng nghìn mét vuông, xuất chuồng hơn 30.000 con vịt/lứa. Mỗi năm xuất khoảng 3-5 lứa, tính ra 500-600 tấn vịt/năm. Nhờ chất lượng tốt, có đơn vị hợp đồng  bao tiêu, thu mua vịt nghe nhạc của anh với giá cao, chủ yếu xuất đến nhà hàng, quán ăn đêm. Trung bình giá vịt chừng 40.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 56.000-58.000 đồng/kg, thấp điểm chừng 33.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh Nam thu về hàng tỷ đồng mỗi lứa.
Năm 2023, mô hình nuôi vịt nghe nhạc của anh Nam nhận giải khuyến khích hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 10, rất nhiều bà con trong tỉnh đã đến học tập cách làm của anh.
Cho gà “đi bar”, lợn nhẩn nha nghe nhạc
Trang trại nuôi gà, lợn của gia đình chị Lương Thị Toan, Công ty TNHH Huy Toan ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, luôn vang lên những bản tình ca lãng mạn.
Chị Toan chia sẻ trên VOV, xuất phát từ ý tưởng là trong chuồng gà rất kín, yên tĩnh, khi công nhân vào cho ăn, lấy trứng hay dọn chuồng gà hoảng sợ chạy xô khắp chuồng, con thì kẹp cánh, con kẹp đầu, trứng vỡ... thế nên chị nảy ra ý nghĩ cho gà nghe nhạc hàng ngày để quen dần tiếng động, không bị hoảng loạn.
Gà không stress nên khỏe hơn, ăn uống tốt hơn, thời gian đẻ cũng kéo dài nhiều ngày hơn. 15.000 con gà cho 12.000-13.000 quả mỗi ngày nên lợi nhuận cũng cao hơn. Chất lượng trứng cũng thơm ngon hơn nên bán được giá. Gia đình chị thu về hơn 10 triệu mỗi ngày riêng tiền trứng.
Cũng trong khuôn viên trang trại của chị Toan là trại lợn thịt và lợn nái vài nghìn con. Con nào con nấy béo tốt, lông trơn mượt, da đỏ hồng, nằm thảnh thơi nghe nhạc. Nhạc có tác dụng làm chúng vui vẻ, thoải mái nên ăn nhiều hơn, lợn nái thì mắn đẻ, còn lợn thịt thì tăng cân nhanh, thịt chắc khỏe. Mỗi tháng trang trại chị xuất chuồng khoảng 1.000 con, thu về 5 tỷ đồng.
Nuôi gà cho nghe nhạc, thu lãi lớn
Báo Dân Việt thông tin, năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ khu phố 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) chuyển sang nuôi gà thịt Tam Hoàng nhưng sau 3 năm chăm sóc, do thiếu kinh nghiệm nên năng suất không cao, thậm chí bị thua lỗ do gà bị nhiễm bệnh.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, anh Tuấn đầu tư  nuôi gà hữu cơ, an toàn sinh học, với giống gà Dabaco.
Đến năm 2022, gia đình anh duy trì và mở rộng đàn gà 2.000 con, xây dựng trang trại trên diện tích gần 2.000m2 thoáng mát, xa khu dân cư.
Đặc biệt, khi đến thăm trang trại gà của anh Tuấn, nhiều người bất ngờ vì tiếng nhạc du dương được phát ra từ chuồng gà. Đây là một trong những nguyên nhân giúp đàn gà tăng trưởng nhanh và không sợ hãi khi nghe tiếng động.
Anh Tuấn chia sẻ, để thuần tính cho gà, gia đình anh sử dụng thêm biện pháp cho gà nghe nhạc và nhạc được anh mở 24/24 giờ. Để gà thích nghi, anh phải chọn các loại nhạc nhẹ như nhạc thính phòng, trữ tình...
Và những bản nhạc du dương được phát ra từ chuồng gà đã khiến cho đàn gà không bị hoảng loạn khi có người vào cho ăn, dọn vệ sinh, nhất là khi thời tiết quá nóng hay mưa, giông, sấm chớp. Gà không chen lấn, cắn phá nhau, giảm tỷ lệ hao hụt từ 5-7%.
Mỗi năm, anh Tuấn nuôi 2 lứa gà, trừ hết chi phí, anh thu lời hơn 60 triệu đồng/lứa. Mỗi năm, anh lãi hơn 100 triệu đồng.
Cho vịt nằm điều hòa
Nuôi vịt bằng cách ứng dụng nhiều công nghệ  cao, anh Thái Hòa Nam (42 tuổi, ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có trang trại vịt lớn nhất tỉnh Quảng Bình với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo Báo Thanh Niên, trước khi trở thành một nông dân nuôi vịt, anh Nam từng làm cho Tập đoàn Viettel, được cử đi nước ngoài làm việc. Trong thời gian này, anh có cơ hội tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao tại các nước phát triển, từ đó ấp ủ ước mơ sẽ thực hiện tại Việt Nam.
Năm 2018, anh Nam trở về quê rồi cùng một số người thành lập công ty chăn nuôi. Anh phối hợp với những người trong công ty tự sáng tạo, thiết kế  chuồng trại, lắp đặt các thiết bị hiện đại và phù hợp nhu cầu để ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi vịt khép kín.
Nhưng mô hình chăn nuôi khép kín khiến vịt không có nhiều không gian sinh hoạt, vận động như nuôi truyền thống. Do đó, anh Nam đã tìm hiểu, nghiên cứu để tạo ra một môi trường sống cho vịt tốt nhất.
"Trang trại của chúng tôi được đầu tư hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, điều hòa tự động, định lượng thức ăn, nước uống, nhiệt độ sẽ tự điều chỉnh tùy theo số lượng, thời gian tăng trưởng của vịt. Bên cạnh đó, còn có các phương pháp cho vịt thư giãn bằng cách nghe nhạc, tăng cường vận động cho đàn vịt bằng hệ thống quạt", anh Nam chia sẻ.
Nghe qua có vẻ khó tin nhưng theo anh Nam, cách nuôi như vậy tác động vào quá trình sinh trưởng của vịt, sản phẩm sẽ tốt hơn.