Đã gần 7 năm, người chăn nuôi hết chịu khủng hoảng thừa lại đến dịch bệnh, rồi “bão giá” và hàng nhập lậu... Rất nhiều người đã rời bỏ cuộc chơi, hộ chăn nuôi còn lại quy mô đàn cũng dần teo tóp.
Gồng lỗ, gắng gượng với nợ nần
Vừa bán lỗ lứa lợn giá 50.000 đồng/kg, ông Hoàng Văn Chung ở xã Phú Lương (Sơn Dương, Tuyên Quang) chia sẻ với PV. VietNamNet, ông từng là nông dân xuất sắc Việt Nam với mô hình chăn nuôi lợn quy mô khoảng 2.000 con. Song, gần 7 năm, qua lúc nào cũng quay cuồng vì con lợn, nhiều khi cảm thấy kiệt sức.
Năm 2017, đối diện với tình trạng “bão giá” vì khủng hoảng thừa, lợn hơi xuất chuồng khi đó chỉ còn 16.000 đồng/kg, càng nuôi ông càng lỗ nặng.
Vợ chồng ông rơi vào khủng hoảng, nợ vay để duy trì đàn lợn lên tới 3,2 tỷ đồng. Ngồi tính bán cả đàn lợn, bán cả chuồng trại, nhà cửa cũng không đủ tiền trả khoản nợ đã vay. Chủ nợ (hàng cám) thì cho người đến canh tận cửa, bán được con lợn nào họ thu tiền luôn. Tiền cám nợ nhiều, đại lý không muốn bán tiếp, ông phải chạy vạy xin mua hết cửa hàng này đến cửa hàng khác.
“Bão giá” qua đi, giá lợn tăng trở lại. Song, chưa kịp vui vì có lãi thì dịch lở mồm long móng hoành hành, dịch tả lợn châu Phi tấn công và lây lan ra khắp cả nước, rồi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến người chăn nuôi như ông thêm nhiều lần lao đao.
Năm 2021, trang trại chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi “hỏi thăm”, ông thiệt hại một khoản lớn và phải treo chuồng. Đầu năm 2022, ông Chung dồn hết vốn liếng của mình để tái đàn. Nhưng ông không thể ngờ mình lại phải đối diện với “bão giá kép” khi giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã và neo ở mức cao nhất trong lịch sử, còn giá lợn hơi lại quay đầu giảm.
Những tháng đầu năm nay, ông xuất bán lợn hơi với giá 43.000-47.000 đồng/kg, chịu thua lỗ nặng. Một thời gian sau, giá lợn bật tăng trở lại nhưng chưa kịp xuất bán lứa lợn nào thì mặt hàng này lại quay đầu giảm.
“Thời điểm nay giá bán đã dưới 50.000 đồng/kg, dịch tả lợn châu Phi lại tái diễn. Người chăn nuôi như tôi lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa”, ông chia sẻ.
Trong gần 7 năm qua, trang trại chăn nuôi của ông Chung từ quy mô đàn lợn 2.000 con teo tóp còn chưa đầy một nửa. Ông tự nhận mình là hộ chăn nuôi quy mô lớn nên chưa phải bỏ nghề, song sổ đỏ đều cầm cố vay ngân hàng lên tới vài tỷ đồng, còn tương lai thì mờ mịt.
Ông Chung chỉ là một trong hàng triệu hộ chăn nuôi ở nước ta phải vật lộn trong đợt khủng hoảng thừa, “bão giá” và dịch bệnh... trong những năm vừa qua. Người nuôi gồng lỗ suốt thời gian dài dẫn đến mất khả năng tái đàn, đành treo chuồng.
Thời gian gần đây, họ còn bất an vì hàng nhập khẩu chính ngạch giá rẻ đổ về, lợn và gia cầm nhập lậu tràn vào nước ta đe dọa ngành hàng này.
10 năm, 8 triệu hộ chăn nuôi rời "cuộc chơi"
Nói về bức tranh ngành chăn nuôi, nhiều chuyên gia nhận định, chưa bao giờ khó khăn như giai đoạn này. Người chăn nuôi rơi vào cơn bĩ cực khi vừa phải gồng lỗ, vừa phải chống chọi với dịch bệnh.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cách đâu chưa lâu kể, trang trại hay hộ nông dân ít nhiều đều muốn vay vốn từ các ngân hàng. Nhưng, họ gần như không thể tiếp cận nhà băng. Nhiều lúc, nhìn cảnh đàn vật nuôi đói, họ đành đi vay nóng mua cám. Khó khăn càng thêm chồng chất, người chăn nuôi kiệt quệ đành treo chuồng.
Để chứng minh thực trạng trên, ông Công dẫn số liệu cách đây 10 năm, nước ta có 10 triệu hộ chăn nuôi. Cách đây 3 năm là 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ. Tức, 8 triệu hộ chăn nuôi đã phải rời bỏ cuộc chơi.
Ông kiến nghị các ngân hàng giảm lãi vay cho người chăn nuôi, đồng thời gia hạn các gói tín dụng ưu đãi, triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm, điều này rất cần kíp. Bởi, trang trại đang hoạt động, nếu đứt nguồn vốn có thể phá sản ngay.
Các hiệp hội trong ngành cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần ngăn chặn triệt để các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, kiểm soát chặt hàng nhập khẩu chính ngạch, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%)... để bảo vệ sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi trong nước.
Trong chuỗi ngành hàng, người chăn nuôi cũng mong các doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ bớt khó khăn để cùng nhau đi xa; mong cơ quan chức năng có chính sách phát triển ngành chăn nuôi bền vững tiến tới xuất khẩu, giảm áp lực cho thị trường nội địa. Bởi quy mô đàn vật nuôi ở nước ta hiện nay nằm trong top đầu thế giới.
Khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, lãnh đạo ngành nông nghiệp từng kêu gọi kêu gọi doanh nghiệp đừng vội tăng giá cám, phải chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Bởi, ngành này là một hệ sinh thái, nếu doanh nghiệp cứ tăng giá, nông dân chịu lỗ sẽ hạn chế nuôi. Khi ấy, sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chăn nuôi khó duy trì đà tăng trưởng.
Trong thư ngỏ gửi các doanh nông nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thương trường, thị trường lúc thì sôi động, khi lại khắc nghiệt. Tạo ra một sản phẩm đã khó, đưa sản phẩm đó đến được thị trường với mức giá tối ưu còn khó hơn. Đưa sản phẩm đến được thị trường đã khó, làm gì để sản phẩm đứng vững trên thương trường đầy ắp sự cạnh tranh và thay đổi không ngừng, lại càng khó bội phần.
Ông nhắc tới triết lý: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Trong chuỗi giá trị ngành hàng phải có sự liên kết, phân chia lợi nhuận hài hoá, chia sẻ bớt khó khăn cho nhau để cùng tiến xa, phát triển bền vững.
Bầu Đức công bố giảm nợ BIDV 200 tỷ đồng, triển vọng sáng năm mới với heo và sầu riêng 
BAF chạy đua với chính sách, tham vọng tăng gấp 10 lần sản lượng heo thương phẩm