Đang neo ở mức đỉnh, giá gạo Việt xuất khẩu quay đầu giảm sau tin đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan vào đà tăng mạnh, sắp bắt kịp gạo Việt Nam.
Chia sẻ về ngành lúa gạo năm nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận xét: “Chưa có năm nào giá lúa gạo cao như năm nay và thời gian gần đây giá lúa gạo vẫn tăng. Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới”.
Đến nay, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 41,17 triệu tấn, kế hoạch đạt trên 43 triệu tấn có tính khả thi rất cao. Theo đó, lượng gạo đủ phục vụ cho 100 triệu dân, đảm bảo đủ chế biến, dự trữ, chăn nuôi và làm giống.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo dự tính đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tính đến hết tháng 11/2023, nước ta đã xuất khẩu khoảng 7,75 triệu tấn gạo, thu về 4,41 tỷ USD, giá trị xuất khẩu tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gạo là một trong những nhóm hàng đóng vai trò quan trọng để ngành nông nghiệp bám đuổi mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỷ USD trong năm nay, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Mới đây, gạo ST25 của Việt Nam cũng đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 loại gạo ST25 đạt ngôi vị cao nhất tại cuộc thi này.
Theo các chuyên gia, việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhưng sau khi nhận tin đạt giải Gạo ngon nhất thế giới, giá gạo Việt xuất khẩu quay đầu giảm. Dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta bật tăng lên 663 USD/tấn (ngày 21/11) và neo ở mức đỉnh này.
Theo đó, giá gạo Việt cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 78 USD/tấn và 85 USD/tấn.
Song, đến ngày 7/12, giá gạo Việt lại quay đầu giảm 5 USD/tấn, về mức 658 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan cùng loại lại vào đà tăng mạnh. Từ giá 585 USD/tấn (ngày 21/11) gạo Thái Lan đã vượt qua ngưỡng 600 USD/tấn và đạt mức 623 USD/tấn vào hôm 7/12.
Hiện, giá gạo Thái Lan chỉ còn kém gạo cùng loại của Việt Nam 35 USD/tấn.
Tính toán của cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, năm nay nước ta dự tính xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử của ngành lúa gạo Việt.
Theo các doanh nghiệp, do nguồn cung hạn chế, nhu cầu trên thị trường thế giới cao nên giá gạo Việt xuất khẩu sẽ neo ở mức cao không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài sang quý I/2024.
Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia đã gửi thông báo mời thầu cung cấp 543.000 tấn gạo. Sản phẩm mà Indonesia muốn nhập là gạo trắng hạt dài 5% tấm. Nguồn cung kỳ vọng là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng vào ngày 30/1/2024.
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia cũng tính toán lượng gạo nhập khẩu trong năm 2024 tiếp tục ở mức cao, theo kế hoạch hạn mức ít nhất 2 triệu tấn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bán gạo với mức cao hơn mức VFA niêm yết.
Ông Phạm Thái Bình - Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin, quý IV năm nay, doanh nghiệp tiếp tục xuất gạo đi các nước châu Âu, Úc, Singapore, Dubai.... Mỗi đơn hàng từ 3-10 container.
"Chúng tôi vừa ký 2 đơn hàng cho quý I/2024. Trong đó, một đơn 460 tấn với giá 785 USD/tấn và đơn còn lại là 1.012 tấn với giá lên tới 860 USD/tấn. Cả hai đơn hàng này đều xuất khẩu cho thị trường Malaysia", ông Phạm Thái Bình cho hay.
Về triển vọng năm 2024, theo các chuyên gia phân tích, giá gạo sẽ tiếp tục ở mức cao nhưng sẽ dưới ngưỡng 700 USD/tấn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 thêm 1,6 triệu tấn lên mức kỷ lục 525,2 triệu tấn. Dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 lên 52,7 triệu tấn, giảm khoảng 600.000 tấn so với ước tính 53,3 triệu tấn của năm 2023.
Vừa lập ‘cú đúp’ kỷ lục lịch sử, gạo Việt lại có diễn biến bất ngờ 
Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu