Gia đình trí thức ‘hot’ nhất MXH Việt lúc này: Mẹ tiến sĩ, bố kỹ sư, chị lớn 2 bằng thạc sĩ, em gái vừa tốt nghiệp bác sĩ
Theo chủ nhân bài đăng ‘Mình và chị gái từ bé đến lớn không bị bố mẹ bắt học và cũng gần như chưa bao giờ nhận đòn roi từ bố mẹ’.
Gia đình tri thức gây sốt cõi mạng
Mới đây, trên mạng xã hội Threads, tài khoản có tên "anhnguyen209" đã đăng tải một bài viết chia sẻ về học vị của các thành viên trong gia đình, thu hút lượng tương tác đáng kể.
Cô bày tỏ niềm tự hào: "Mẹ tiến sĩ. Chị gái 2 bằng thạc sĩ. Em gái bác sĩ. Bố giữ vững danh hiệu đẹp trai nhất nhà". Bên cạnh thành tích học vấn ấn tượng, nhiều người còn bị thu hút bởi vẻ ngoài thân thiện của cả gia đình – bố mẹ hiền hậu, giản dị, hai cô con gái xinh xắn.
Nhiều cư dân mạng  đã ví đây là một "gia đình trí thức" và không tiếc lời khen ngợi: "Chà, hóa ra đây là dáng vẻ của trí thức", "Gia đình đẹp quá, vừa xinh đẹp vừa tài giỏi, thật ngưỡng mộ", "Điển hình của gia đình trí thức là đây chứ đâu xa", "Quá đỉnh, bố mẹ luôn là tấm gương cho con cái noi theo", "Dáng vẻ của trí thức là kết quả nỗ lực âm thầm"...
Khi liên hệ với chủ nhân bài đăng, bạn Quỳnh Anh chia sẻ rằng cô rất vui và bất ngờ khi hình ảnh gia đình mình nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Nói về việc được gọi là "gia đình trí thức ", Quỳnh Anh khiêm tốn: "Điều này khiến mình tự hào nhưng cũng thấy có chút quá tầm với thực tế khá bình thường của gia đình mình ạ".
Cô bạn Gen Z chia sẻ: “Gia đình mình sống ở Hà Nội. Mẹ mình sinh ra và lớn lên tại Hoài Đức, học Đại học Mỏ - Địa chất, sau đó nhận học bổng DAAD của chính phủ Đức và đạt học vị Tiến sĩ vào năm 2006.
Chị gái mình, sinh năm 1993, đã từng tốt nghiệp MBA xuất sắc, nhưng sau đó chuyển ngành sang dạy tiếng Anh và cũng hoàn thành bằng Thạc sĩ TESOL tại trường St Andrews với kết quả xuất sắc.
Mình ít khi nhắc đến bố nên trông bố có vẻ lép vế hơn so với ba mẹ con. Thực ra, bố mình sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, sau đó lên Hà Nội học đại học và cũng có bằng kỹ sư”.
Bố mẹ chính là tấm gương cho các con
Quỳnh Anh đầy tự hào khi nhắc đến bố - người đàn ông là chỗ dựa vững chắc của vợ và các con: "Bố mình chắc chắn là một người đàn ông của gia đình. Trong thời gian mẹ mình đi học ở Đức, bố đã ở nhà 'gà trống nuôi con' chăm chị gái mình lúc đó mới 2 tuổi. Hai bố mẹ mình cưới nhau với hai bàn tay trắng, phải lên cơ quan vay 500 nghìn đồng để tổ chức đám cưới. Chính những hy sinh và tình yêu đó đã giúp gia đình mình có nền tảng vững chắc như ngày hôm nay".
Mẹ của Quỳnh Anh là tấm gương vượt khó, truyền động lực học tập cho chị em cô. Quỳnh Anh nhớ lại qua lời kể của mẹ, cô biết ông bà ngoại xuất thân là nông dân, điều kiện gia đình ngày xưa rất khó khăn, nhưng mẹ cô vẫn nỗ lực không ngừng để đạt được học vị Tiến sĩ.
“Tuy trượt Đại học Y đến 2 năm, nhưng ông bà nhất quyết không cho mẹ mình học Cao đẳng hay đi học nghề. Sau đó mẹ mình đỗ Đại học Mỏ - Địa chất và cũng rất đam mê với ngành này. Thời đó không có mạng Internet như bây giờ nên mẹ mình dành rất nhiều thời gian tra cứu và đọc tài liệu ở thư viện. Mẹ cũng dành nhiều thời gian tự học thêm tin học, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức sau đó cũng được học bổng toàn phần đi Đức.
Nhiều lúc mình cũng nản chí, muốn bỏ cuộc nhưng nhìn tấm gương mẹ mình có thể học tập được trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy thì mình lại có thêm động lực. Mẹ mình từ bé có ước mơ làm bác sĩ nhưng thi đại học Y 2 lần đều trượt. Bây giờ mình cũng phần nào thực hiện được ước mơ của mẹ mình là trở thành bác sĩ”, cô tâm đắc chia sẻ .
Với Quỳnh Anh, những nỗ lực và thành tích của bố mẹ hay chị gái chưa từng trở thành áp lực. Ngược lại, cô luôn xem đó như động lực để theo đuổi và hoàn thiện đam mê của mình. Mới đây, cô đã nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa tại Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam. Song song với việc học, Quỳnh Anh cho biết cô vẫn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đồng thời không quên dành thời gian cho sở thích cá nhân như đi chơi và chụp ảnh cùng bạn bè. Trong đại dịch COVID-19, cô cũng đã tham gia chống dịch tại TP.HCM trong 2 tháng.
"Với mình thì việc vui chơi, giao lưu với bạn bè là vô cùng cần thiết sau những khoảng thời gian học hành căng thẳng", Quỳnh Anh chia sẻ. Ước mơ của cô gái sinh năm 2000 là trở thành bác sĩ da liễu trong tương lai.
Cách giáo dục của bố mẹ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp Quỳnh Anh và chị gái tự tin theo đuổi đam mê. Cô cho biết: "Mình và chị gái từ bé đến lớn không bị bố mẹ ép buộc học hành, cũng gần như chưa bao giờ bị đánh đòn. Từ nhỏ, hai chị em đã nhìn thấy bố mẹ làm việc buổi tối, nên khi lớn lên, việc học vào buổi tối cũng trở thành điều tự nhiên với chúng mình. Bố mẹ cũng không bao giờ áp đặt hai chị em phải trở thành giáo viên hay bác sĩ, mà luôn ủng hộ và định hướng cho những gì chúng mình mong muốn".
Quỳnh Anh luôn biết ơn và thấu hiểu những hi sinh của bố mẹ. Chính vì vậy, cô không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày, từ việc học tập đến tham gia các hoạt động cộng đồng. Cô tin rằng, việc thấy hai con trưởng thành và có cuộc sống tốt đẹp chính là "món quà" lớn nhất mà cô có thể dành tặng cho bố mẹ.
Nguồn: Tổng hợp
Gia đình có 17 người con, mỗi năm chi hơn 471 triệu đồng mua thức ăn 
Thói quen ăn mì khiến cả gia đình mắc bệnh tiểu đường