Giá đỗ bẩn ở Bách Hóa Xanh: Người tiêu dùng hoang mang, trách nhiệm bị đùn đẩy
Vụ để giá đỗ bẩn xuất hiện tại Bách Hóa Xanh và chợ đầu mối Tân Hòa, tỉnh Đắk Lắk, khiến dư luận hoang mang. Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đang bị đùn đẩy giữa các cơ quan chức năng, trong khi người tiêu dùng chờ câu trả lời thỏa đáng.
Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh (PLO), chiều 30/12, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk xác nhận UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan báo cáo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm. Nội dung báo cáo bao gồm công tác điều tra, truy xuất, triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện tại.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo số lượng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã được cấp trên địa bàn tỉnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh giá đỗ. Đồng thời, cần xác định các giải pháp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ trong thời gian tới để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Các báo cáo tham mưu UBND tỉnh phải được nộp trước ngày 2/1/2025.
Trách nhiệm bị đùn đẩy
Theo phản ánh của người tiêu dùng và ghi nhận từ cơ quan chức năng, sản phẩm giá đỗ bị phát hiện có ngâm tẩm hóa chất cấm được bán tại siêu thị Bách Hóa Xanh và chợ đầu mối Tân Hòa ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sản phẩm này có nhãn mác "giá đậu xanh Lâm Đạo" do Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (trụ sở tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sản xuất, với bao bì in mã số và mã vạch.
Trao đổi với PLO, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đơn vị này đã cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm giá đỗ của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo vào tháng 4/2024 trong thời hạn 3 năm. Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở Lâm Đạo đủ điều kiện sơ chế, đóng gói sản phẩm; không phải quá trình ngâm, ủ, kích nảy mầm nhằm sản xuất giá đỗ.
Sau một năm cấp giấy chứng nhận, Chi cục sẽ kiểm tra lại điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, mỗi năm Chi cục chỉ được kiểm tra một lần, không có thẩm quyền kiểm tra thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, giải thích rằng sản phẩm lưu hành hợp pháp cần được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp mã số, mã vạch. Tuy nhiên, nếu xảy ra khiếu kiện hoặc tranh chấp, Sở Khoa học - Công nghệ mới tiếp nhận và hướng dẫn xử lý.
Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng công tác hậu kiểm, kiểm tra sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở các siêu thị hay không thuộc trách nhiệm của đơn vị cấp phép.
Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, lại cho rằng đơn vị của ông chỉ cấp chứng nhận cho Công ty Lâm Đạo bán giá đỗ, nhưng chỉ trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói. Còn việc kiểm tra sản phẩm đã ra thị trường, nếu bán ở cửa hàng Bách Hóa Xanh phải do Sở Công Thương chủ trì, thành lập đoàn mới thanh tra, kiểm tra được. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ được kiểm tra ở chợ đầu mối Tân Hòa.
PLO đã liên lạc với lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk để tìm hiểu thêm, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thừa nhận không có cơ chế giám sát thường xuyên quá trình sản xuất của từng cơ sở.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk cũng bị đặt câu hỏi về vai trò trong vụ việc này. Chủ tịch Hội, bà Nguyễn Thị Phương Lan, cho biết Hội chỉ thực hiện công tác tuyên truyền và chỉ can thiệp khi có kiện tụng.
Về phía doanh nghiệp, Bách Hóa Xanh cam kết hoàn tiền cho khách hàng đã mua giá đỗ của nhà cung cấp Lâm Đạo. Khách hàng cần cung cấp hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử từ phần mềm tích điểm của Bách Hóa Xanh để nhận lại tiền.