Thị trường

Giá hàng hóa toàn cầu lao dốc, phát tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế thế giới

Bá Huy 12/04/2025 06:00

Từ giá dầu, kim loại cho đến nông sản, sự lao dốc đồng loạt của các loại hàng hóa cơ bản đang phát đi những tín hiệu mạnh mẽ về rủi ro suy thoái lan rộng.

Giá hàng hóa toàn cầu đang rơi tự do, kéo theo những tín hiệu đáng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tái bùng phát.

Chỉ số S&P GSCI – theo dõi diễn biến giá hàng hóa toàn cầu trong các lĩnh vực năng lượng, kim loại và nông nghiệp – đã giảm hơn 8% kể từ ngày 2/4, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế quan “có đi có lại” nhằm vào các đối tác thương mại lớn.

Giá hàng hóa toàn cầu lao dốc, phát tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế thế giới
Nguồn: spglobal.com

>> Mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ mang về 200 triệu USD cho Việt Nam trong quý I

Mặc dù Nhà Trắng sau đó đã điều chỉnh lập trường vào ngày 9/4, giúp giá hàng hóa hồi phục nhẹ, thị trường vẫn chịu sức ép nặng nề do mức thuế mới áp lên hàng hóa Trung Quốc tăng vọt tới 125%. “Sự sụp đổ của giá hàng hóa chính là ngắt mạch thị trường – dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái toàn cầu đang hình thành”, ông Marko Papic, chuyên gia địa chính trị và vĩ mô tại BCA Research cảnh báo.

Tác động lan rộng từ Trung Quốc – thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất

Là nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, Trung Quốc chính là mắt xích quan trọng trong làn sóng sụt giảm này. Mức thuế cao hơn dự kiến không chỉ cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà còn kéo giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng và kim loại công nghiệp toàn cầu.

Trong nhóm hàng hóa, năng lượng là lĩnh vực giảm mạnh nhất, mất khoảng 12% giá trị kể từ ngày 2/4, theo chỉ số năng lượng của S&P Global. Kim loại công nghiệp giảm xấp xỉ 9%, tiếp theo là nhóm nông sản mềm, giảm khoảng 5,2%.

Giá dầu cũng không tránh khỏi đà lao dốc, bất chấp quyết định mới của OPEC+ về việc tăng sản lượng nhanh hơn. Mặc dù các đợt tăng này đã được thống nhất từ trước, tâm lý tiêu cực trên thị trường vẫn khiến giá dầu Brent rơi xuống 64,78 USD/thùng, còn WTI của Mỹ ở mức 61,77 USD/thùng – vẫn thuộc vùng giá thấp nhất nhiều năm.

Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu cuối năm 2025 xuống 62 USD/thùng cho Brent và 58 USD/thùng cho WTI, phản ánh triển vọng u ám về nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh bất ổn thương mại và tăng trưởng chậm lại. Tình trạng bán tháo hàng hóa toàn cầu đang kéo theo làn sóng dự báo suy thoái tại Mỹ. JPMorgan dự đoán tăng trưởng GDP Mỹ sẽ giảm 0,3% trong năm nay, sau một năm 2024 tương đối mạnh mẽ. “Đà giảm mạnh của dầu thô kể từ ngày 2/4 cho thấy thị trường đang ngày càng nghiêng về kịch bản suy thoái,” – các chuyên gia hàng hóa tại ING nhận định.

Fitch Solutions cũng cảnh báo xác suất Mỹ rơi vào suy thoái đã vượt 50%, theo bà Sabrin Chowdhury, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của đơn vị này. Bà cho biết, không chỉ giá hàng hóa giảm mà tâm lý tiêu cực toàn cầu đang lan rộng do căng thẳng địa chính trị và thương mại leo thang.

Đồng và kim loại công nghiệp – chỉ báo sức khỏe kinh tế – cũng lao dốc

Đồng, một trong những kim loại được xem là "nhiệt kế" của nền kinh tế, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Dù giá đồng có phục hồi nhẹ trong phiên 9/4, hiện vẫn giao dịch quanh mức 8.380 USD/tấn – giảm hơn 16% kể từ đầu tháng 4, theo dữ liệu từ FactSet.

Tình hình càng đáng lo ngại khi Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – đang gặp khó trong việc phục hồi nền kinh tế, trong khi thị trường bất động sản nội địa tiếp tục suy yếu.

“Với triển vọng tăng trưởng của Mỹ suy yếu vì thuế quan, còn Trung Quốc đang chật vật kích thích kinh tế, nhu cầu đối với đồng và các kim loại công nghiệp khác sẽ giảm mạnh”, bà Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại ING dự báo.

Goldman Sachs cũng hạ dự báo giá đồng, viện dẫn nguồn cung dư thừa và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại. Ngân hàng này cảnh báo nếu suy thoái tại Mỹ xảy ra, giá đồng có thể giảm về 6.500 USD/tấn – thậm chí 5.900 USD/tấn, tương đương các mức đáy trong giai đoạn chiến tranh thương mại nhiệm kỳ đầu của ông Trump và thời kỳ đỉnh dịch COVID-19.

Từ giá dầu, kim loại cho đến nông sản, sự lao dốc đồng loạt của các loại hàng hóa cơ bản đang phát đi những tín hiệu mạnh mẽ về rủi ro suy thoái lan rộng.

Với vai trò trung tâm của Trung Quốc và Mỹ trong chuỗi tiêu dùng toàn cầu, diễn biến thương mại giữa hai nước không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường hàng hóa, mà còn định hình lại bức tranh kinh tế thế giới trong những tháng tới.

>> Thêm một 'át chủ bài' nông sản Việt so kè với Thái Lan tại thị trường tỷ đô

Thị trường hàng hóa 13/3: Giá dầu chạm mốc 70 USD/thùng, vàng và kim loại leo thang vì bất ổn thuế quan

Cách AI đang tăng tốc khai thác các kim loại quan trọng cho nền kinh tế sạch

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-hang-hoa-toan-cau-lao-doc-phat-tin-hieu-canh-bao-suy-thoai-kinh-te-the-gioi-286449.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giá hàng hóa toàn cầu lao dốc, phát tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH