Các số liệu mới công bố của Mỹ cho thấy, lạm phát của nước này đã đạt đỉnh 40 năm do giá năng lượng và lương thực tăng đột biến.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI nước này đã tăng 7,9% trong tháng 2 so với năm trước, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Theo số liệu của Bloomberg, con số này đã vượt qua mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Tính theo tháng, giá tiêu dùng cũng tăng với tốc độ nhanh. CPI trong tháng 2 cao hơn 0,8% so với tháng 1.
Nguyên nhân lớn nhất khiến lạm phát tăng cao là giá năng lượng tăng đột biến.
Trong tháng 2/2022, chỉ số theo dõi giá năng lượng đã tăng 3,5% và ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10. Năm ngoái, chỉ số này tăng 25,6%.
Chỉ số giá lương thực cũng đã tăng 1% so với tháng trước, cao hơn một chút so với mức thăng 0,9% trong tháng 1. Xu hướng này một phần được thúc đẩy bởi giá thực phẩm sử dụng tại nhà tăng 1,4%, đưa mức tăng hàng năm của chỉ số này lên tới 8,6%.
Dù không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi cũng tăng nhanh trong tháng vừa qua. CPI lõi tăng 6,4% trong tháng 2 so với năm trước, cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Giá nhà ở, một trong những yếu tố lớn khiến lạm phát cao hơn, đã tăng trong tháng 2, giá thuê nhà tăng 0,6% so với tháng trước.
Tuy nhiên, thị trường lao động thiếu hụt nhân sự ở thời điểm hiện tại và mức lương ngày càng tăng phần nào giúp thu nhập của người lao động bắt kịp với lạm phát. Số liệu của Bộ Lao động tuần trước công bố cho thấy, thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động đã tăng 5,1% trong tháng 2.
Greg McBride, giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate cho biết: "Tốc độ tăng lương cao không bắt kịp với chi phí gia tăng mà các hộ gia đình đang phải đối mặt như tiền thuê nhà, thực phẩm, điện, xăng dầu và nhiều loại hàng hoá, dịch vụ. Sức mua của người dân Mỹ cũng ngày càng sụt giảm, có thể được phản ánh thông qua các chỉ báo về tâm lý người tiêu dùng."
Quốc gia châu Âu xả 1.000 tấn bơ từ kho dự trữ để hạ nhiệt lạm phát 
Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường quản lý giá dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ