Kiến thức

Giá tăng chóng mặt, quả cau có tác dụng như thế nào?

Phương Thuý 14/10/2024 - 08:35

Quả cau có thể sử dụng tất cả bộ phận bao gồm vỏ, cùi, hạt để hỗ trợ chữa trị bệnh giun sán, phù thũng, viêm răng miệng.

Gần đây, tôi thấy các thông tin chia sẻ về giá cau tăng kỷ lục, một tấn cau tương đương cả lượng vàng. Gia đình tôi có 3 cây cau, hầu như đều để vàng, quả tự rụng. Xin hỏi chuyên gia, quả cau có tác dụng gì với sức khỏe? (Trần Văn Minh - Gia Lâm, Hà Nội).

Lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông Y Thành phố Hà Nội tư vấn:

Ở nước ta, cau được trồng ở nhiều nơi, giá 25.000 tới 50.000 đồng/kg quả. Gần đây, các thương lái thu mua quả cau tươi với giá cao từ 75.000 đến 90.000 đồng/kg. Cau sấy được bán sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc.

Từ xa xưa, người dân dùng cau để ăn trầu, chữa bệnh răng miệng. Ngoài ra, các bộ phận từ quả cau như vỏ, hạt, cùi đều dùng làm thuốc hỗ trợ cho sức khỏe.

Y học hiện đại phân tích trong quả cau có các thành phần như alkaloid, saponin, sitosterol, dầu béo và khoáng chất. Trong Đông y, vỏ, cùi và rễ cau vị đắng chát, tính ôn và có tác dụng vào kinh vị, đại trường. Hạt cau có vị cay đắng, chát, tính ấm trị giun sán, sát trùng, tiêu tích.

Người dân có thể thu hái cau phơi khô, tách hạt bỏ lọ dùng dần hoặc sử dụng cau tươi.

Các bài thuốc từ cau trong dân gian

Hạt cau: Để trị giun sán, bạn lấy hạt cau sắc lấy nước uống vào buổi sáng. Người lớn dùng 80g, trẻ nhỏ khoảng 30-40g.

Hạt cau còn dùng để trị các chứng xơ gan, báng bụng. Dùng hạt khô sắc với trần bì (vỏ quýt khô) theo tỷ lệ 2:1, sao vàng, tán bột mịn và uống lúc đói bụng cùng với mật ong chữa chứng ợ chua; đốt thành than nghiền bột mịn chấm vào chỗ nhiệt miệng. Người bị sốt rét có thể dùng 8g hạt cau kết hợp với thường sơn 4g, thảo quả 8g sắc nước uống sau ăn, 2 lần/ngày.

Vỏ và cùi cau dùng chữa chứng khó tiêu hóa, khó đi tiêu tiểu, hỗ trợ hạ huyết áp, phù thũng. Vỏ cau sắc lấy nước chấm lên mụn để giảm viêm, tiêu mụn.

Bài thuốc sử dụng phổ biến nhất là lấy cau ngâm rượu trị các bệnh răng miệng, viêm nướu. Dùng 20-25 quả cau bỏ vỏ, bổ tư và ngâm vào trong bình rượu trắng 1 lít. Khi rượu cau chuyển màu vàng cánh gián là dùng được. Lưu ý, rượu cau rất cay nên pha loãng ngậm trong miệng khoảng 10-15 phút rồi nhổ bỏ, không ăn thêm cho tới khi đi ngủ, có tác dụng ức chế vi khuẩn, làm sạch răng, thơm miệng.

Người dân tuyệt đối không uống rượu cau bởi có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí là tính mạng bản thân.

Cau nhiều tác dụng nhưng không dùng cho những người suy nhược cơ thể, mệt mỏi.

Lưu ý thêm, rễ cau cũng có tác dụng cho sức khỏe nhưng khác với rễ cây sâm cau (loại sâm có lá giống lá cau) trồng nhiều ở miền núi có tác dụng tỏa dương, tốt cho nam giới. Rễ cau ta có tác dụng kháng nấm, kháng vi khuẩn và diệt giun sán, tăng nhu động ruột, giúp điều trị chứng khó tiêu, đầy bụng hay táo bón.

Bạn nên tham khảo bác sĩ Đông y trước khi dùng các bài thuốc từ cau.

>> Tỉnh táo trước “cơn sốt” cau

Sữa đậu nành được ví như 'thần dược tăng vòng một' nhưng chớ lạm dụng kẻo hại sức khỏe

Sữa chua Hy Lạp: những lợi ích với sức khỏe và cách làm tại nhà

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/qua-cau-co-tac-dung-gi-voi-suc-khoe-ai-khong-nen-an-cau-2331352.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giá tăng chóng mặt, quả cau có tác dụng như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH