Báo cáo khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam năm 2023 vừa được PwC công bố cho thấy, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện đối mặt với vấn đề “khoảng cách niềm tin”.
Khảo sát của PwC chỉ ra rằng, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam, cũng giống như các doanh nghiệp gia đình trên toàn cầu và khu vực, đang đối mặt với sự thiếu hụt niềm tin.
(TyGiaMoi.com) - Thiếu sự tin tưởng
Với khách hàng, báo cáo cho biết trong khi các doanh nghiệp gia đình xác định sự tin tưởng của nhóm này là rất quan trọng (75%), nhưng số hoàn toàn giành được niềm tin từ khách hàng chỉ khoảng 32%, tức cách biệt đến 43%. Trong khi đó, tỷ lệ cách biệt về niềm tin ở nhóm nhân viên và nhà đầu tư có phần thu hẹp hơn, với tỷ lệ cách biệt lần lượt là 11% và 14%.
Đáng chú ý là niềm tin của các thành viên trong gia đình được xem là ít quan trọng hơn, theo kết quả khảo sát, 40% thừa nhận rằng mức độ tin tưởng thấp giữa một số nhóm thành viên trong gia đình nhưng chỉ 28% xem việc được các thành viên trong gia đình tin tưởng là điều cần thiết. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (63%) và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (54%).
Khi các thành viên trong gia đình không tin tưởng lẫn nhau sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, thiếu gắn kết và có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp gia đình cần tạo ra một hệ thống rõ ràng cho phép các thành viên trong gia đình thảo luận cởi mở và quản lý các xung đột trong gia đình.
Điều này có thể được thực hiện thông qua: Tăng cường sự tin tưởng thông qua cơ cấu quản trị chính thức và trao đổi thông tin minh bạch. Bằng cách cùng nhau giải quyết các vấn đề dẫn đến sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, hai thế hệ có thể phát triển sự hiểu biết tốt hơn về quan điểm và thế mạnh của nhau, từ đó giúp cho công việc kinh doanh gia đình trở nên hài hòa hơn và thành công hơn. Kết quả khảo sát cho thấy có hai lĩnh vực trọng tâm cần được quan tâm.
Thứ nhất, làm rõ vai trò và trách nhiệm: 53% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp có đề ra vai trò và trách nhiệm rõ ràng đối với những người tham gia điều hành doanh nghiệp. Việc xác định rõ ràng vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình có thể giúp giảm thiểu hiểu lầm và xung đột.
Thứ hai, thiết lập các giá trị và mục tiêu chung: 53% số người được hỏi đồng ý rằng tất cả các thành viên gia đình tham gia vào hoặc bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh đều có đồng quan điểm và cùng ưu tiên liên quan đến hướng phát triển của doanh nghiệp. Các thành viên của hai thế hệ có thể cùng nhau xác định các giá trị và mục tiêu chung. Điều này có thể giúp hình thành ý thức về mục đích và tầm nhìn chung cho doanh nghiệp.
(TyGiaMoi.com) - Xây dựng niềm tin
Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings nhận định: Môi trường kinh doanh hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp gia đình phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tạo dựng niềm tin với nhiều bên liên quan. Họ không chỉ bao gồm khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư mà còn bao gồm các thành viên gia đình, đối tác kinh doanh và xã hội. Niềm tin được xây dựng dựa trên “cái thật” của doanh nghiệp bằng cách thực hiện những gì đã hứa và đề cao các giá trị như tính chuyên nghiệp, minh bạch, đạo đức và tôn trọng quyền của người lao động. Chính cam kết của Tập đoàn đối với các giá trị này đã dẫn đến quan hệ lâu dài với các đối tác.
Ông Đoàn cũng lưu ý rằng, các đối tác quốc tế và các thị trường xuất khẩu lớn thường coi trọng việc bảo vệ môi trường, sức khỏe và quyền của người lao động, tuân thủ thượng tôn pháp luật, minh bạch... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt và thiết lập một tiến trình chuyển đổi cho phù hợp.
Nói đến niềm tin giữa các thành viên trong gia đình, ông Đoàn cho rằng, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam nên áp dụng tư duy công ty cổ phần, minh bạch và có cấu trúc quản trị gia đình để tạo dựng niềm tin.
Thuộc thế hệ doanh nhân F2, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Indevco đã tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình từ năm 2010. Ông Dũng chia sẻ: "Khi chuyển giao thế hệ, giá trị cốt lõi thời kỳ đầu của người sáng lập có thể sẽ không được tiếp thu hoàn toàn bởi người kế nghiệp hoặc không phù hợp trong bối cảnh kinh doanh mới ở thế hệ tiếp quản. Để quá trình chuyển giao được thành công, thế hệ sáng lập và kế nhiệm lẫn các thành viên trong gia đình cần thẳng thắn chia sẻ về việc xây dựng các giá trị và mục đích chung, vai trò và trách nhiệm của các thành viên gia đình. Điều này rất quan trọng để gia đình cùng lèo lái doanh nghiệp tiến về phía trước.” Ông Dũng tin rằng sự liên kết, đồng thuận trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến cách thức doanh nghiệp gia đình xây dựng niềm tin với các bên khác như khách hàng, nhân viên, đối tác.
Là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, nhiều doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam đang thực sự đối mặt với thách thức lớn trong việc hoạch định người kế nhiệm do sự khác biệt về tính cách và tư duy giữa các thế hệ. “Nếu không có một kế hoạch chuyển giao phù hợp, khi những sự kiện khẩn cấp bất ngờ xảy ra, có thể dẫn đến sự suy yếu của doanh nghiệp và mất mát cho xã hội. Tôi nghĩ cần tạo được sự tin tưởng và phải đào tạo cả người chuyển giao lẫn người kế nghiệp về kế hoạch chuyển giao.