Sabeco (SAB) chi 830 tỷ đồng thâu tóm doanh nghiệp bia 20 năm tuổi, nâng tầm vị thế trong ngành
Doanh nghiệp bia mà Sabeco (SAB) vừa thâu tóm có một sản phẩm bia đặc biệt.
Ngày 25/12/2024, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán SAB ) đã hoàn tất việc chào mua công khai cổ phiếu SSB  của CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng và củng cố vị thế của mình trong ngành bia Việt Nam.
Thâu tóm thành công, Sabeco chiếm quyền kiểm soát
Theo thông báo từ Sabeco, công ty đã mua thành công hơn 37,81 triệu cổ phiếu SBB trong tổng số hơn 50,32 triệu cổ phiếu được chào bán, tương ứng với khoảng 22,7% tổng số cổ phiếu của Bia Sài Gòn Bình Tây.
Thương vụ này giúp Sabeco và các bên liên quan nâng tổng lượng cổ phiếu SBB sở hữu lên hơn 57,7 triệu cổ phiếu, chiếm 65,9% tổng số cổ phiếu, qua đó nắm quyền kiểm soát công ty. Trong số đó, Sabeco sở hữu trực tiếp 52,18 triệu cổ phiếu (chiếm 59,6%), còn lại là các bên liên quan nắm giữ 5,52 triệu cổ phiếu (chiếm 6,3%).
Để thực hiện thương vụ này, Sabeco đã chi ra khoảng 831 tỷ đồng, với giá chào mua là 22.000 đồng/cổ phiếu.
Khá bất ngờ khi thông tin và thương vụ thâu tóm của Sabeco chính thức diễn ra không giúp cho cổ phiếu SBB thăng hoa mà thậm chí đang ở trạng thái ‘rơi’ tự do. Trên thị trường, SSB bắt đầu tăng mạnh vào cuối tháng 8/2024, từ vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu lên xấp xỉ 18.700 đồng và giữ nguyên mấy tháng.
Từ 24/12, khi cận kề ngày chào bán công khai, SBB giảm sâu, và tiếp tục giảm những phiên sau đó. Hiện tại SBB giao dịch ở mức 13.600 đồng/cổ phiếu, cách rất xa với giá 22.000 đồng mà Sabeco bỏ ra mua.
Diễn biến giá cổ phiếu SBB trong 1 năm gần đây |
>> Thương vụ thâu tóm giúp Sabeco (SAB) vượt mặt Heineken có diễn biến mới 
Vì đâu Sabeco quyết chi gần nghìn tỷ để thâu tóm Bia Sài Gòn Bình Tây?
Việc Sabeco quyết định thâu tóm Bia Sài Gòn Bình Tây (Sagota) xuất phát từ nhu cầu mở rộng và củng cố thị phần trong ngành bia, đặc biệt là trong bối cảnh ngành bia đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng. Sau khi Nghị định 100 được ban hành và các cơ quan chức năng thắt chặt kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm bia không độ.
Bia Sài Gòn Bình Tây có sản phẩm đặc biệt trong số các doanh nghiệp bia Việt, là bia 0 độ, cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn bia quốc tế như Heineken (Hà Lan), Baltika (Nga), Steiger (Tiệp Khắc), và Oettinger (Đức).
Việc thâu tóm Bia Sài Gòn Bình Tây giúp Sabeco gia nhập nhanh chóng vào thị trường bia 0 độ mà không cần phải đầu tư phát triển sản phẩm mới từ đầu, tận dụng thành công sản phẩm của Sagota để mở rộng thị phần.
Sản phẩm bia Sagota của Bia Sài Gòn Bình Tây |
Với việc sở hữu Bia Sài Gòn Bình Tây, Sabeco không chỉ củng cố vị thế trong ngành bia, mà còn mở rộng phạm vi sản phẩm, tiếp cận với phân khúc tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các loại bia không độ. Đây là một chiến lược rõ ràng giúp Sabeco duy trì và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường.
Trong khi đó, việc thâu tóm này không chỉ giúp Sabeco gia tăng quy mô và sản lượng mà còn có thể mang lại lợi thế lớn trong việc tối ưu hóa các kênh phân phối và nâng cao lợi nhuận cho các năm tiếp theo.
Với động thái này, Sabeco một lần nữa khẳng định vị thế tiên phong trong ngành bia và nước giải khát, tiếp tục là một trong những thương hiệu lớn tại Việt Nam trong ngành công nghiệp sản xuất bia.
>> Bán bia thu về hơn 3.500 tỷ đồng lợi nhuận, 'ông lớn' Sabeco (SAB) đã nộp thuế bao nhiêu? 
Sabeco (SAB) ra mắt trung tâm nghiên cứu ngành bia với công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới 
Sau 7 năm thâu tóm Sabeco (SAB), tỷ phú Thái Lan đã thu hồi bao nhiêu vốn đầu tư từ cổ tức?