Doanh nghiệp

Ba 'siêu dự án' đồng loạt khởi động, mở đường cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam

Thủy Trúc 30/03/2025 - 20:33

Thủ tướng Chính phủ vừa 'chốt' thời điểm khởi công 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, và gói thầu hạ tầng ga Lào Cai.

Chiều 29/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt – đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo. Phiên họp có sự tham dự của các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

Cuộc họp không chỉ đánh dấu bước khởi động chính thức cho những dự án hạ tầng lớn, mà còn thể hiện rõ quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt hiện đại tại Việt Nam.

Ba siêu dự án đường sắt lộ diện

Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, ba nghị quyết lớn đã được Quốc hội thông qua nhằm thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông đường sắt. Đó là:

  • Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
  • Chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
  • Thí điểm cơ chế đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Với đường sắt đô thị, TP. Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị; trong khi TP. Hồ Chí Minh dự kiến triển khai 10 tuyến. Đây là những mảnh ghép quan trọng trong tổng thể phát triển giao thông đô thị hiện đại tại hai đô thị lớn nhất cả nước.

Cả ba dự án đều mang quy mô đầu tư lớn, có ý nghĩa chiến lược trong kết nối vùng, giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: 'Chốt' thời gian khởi công

Một trong những dự án gây chú ý nhất chính là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với chiều dài khoảng 1.541km, vận tốc thiết kế lên tới 350km/h. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ ước khoảng 1,71 triệu tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), thực hiện trong giai đoạn 2025-2035.

Thủ tướng giao các Bộ, ngành đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, hướng tới mục tiêu khởi công vào tháng 12/2026. Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện nghị định về thiết kế tổng thể ngay trong tháng 4/2025, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho dự án triển khai đúng tiến độ.

Ba 'siêu dự án' đường sắt đồng loạt khởi động, mở đường cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam
Ảnh minh họa

>> Nhận lệnh của Thủ tướng, Hòa Phát (HPG) triển khai dự án thép đặc biệt phục vụ đường sắt tốc độ cao

Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Khởi công gói thầu hạ tầng ga Lào Cai trong năm 2025

Song hành với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng là điểm nhấn lớn. Tuyến này có chiều dài khoảng 391km (chưa kể tuyến nhánh gần 28km), sử dụng khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm, phục vụ cả vận tải hàng hóa và hành khách.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 8,37 tỷ USD, triển khai từ năm 2025 và hoàn thành vào 2030.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình phương án thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Thủ tướng đồng ý khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của dự án ngay trong năm 2025.

Song song đó, các cơ quan liên quan cũng được giao thúc đẩy tiến độ hai tuyến quan trọng khác: Tuyến Hà Nội – Lạng Sơn (dài khoảng 156km) và tuyến Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái (dài khoảng 187km), cả hai đều có vai trò kết nối quốc tế với Trung Quốc, góp phần hoàn thiện mạng lưới logistics quốc gia.

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định. Đồng thời, thúc đẩy dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.

>> Việt Nam muốn nội địa hóa, Pháp sẵn sàng chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao

Đường sắt đô thị: Nút gỡ cho giao thông đô thị hiện đại

Tại hai đô thị lớn nhất cả nước, hệ thống metro, đường sắt đô thị được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo giao thông. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rà soát lại toàn bộ tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị.

Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án. Riêng tuyến Metro số 2 tại TP. Hồ Chí Minh (Bến Thành – Tham Lương), Bộ Tài chính cần sớm có ý kiến về việc chuyển nguồn vốn ODA sang các hình thức phù hợp hơn để thúc đẩy tiến độ.

Ba 'siêu dự án' đường sắt đồng loạt khởi động, mở đường cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam
Ảnh minh họa

>> Sau Nhổn - ga Hà Nội, quốc gia có nhiều duyên nợ với Việt Nam 'ngỏ ý' muốn tham gia dự án giao thông chiến lược

Hình thành các tập đoàn lớn về công nghiệp đường sắt

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển một ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, có tính tự chủ và có thể làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị. Theo Thủ tướng, đây không chỉ là những dự án giao thông đơn thuần mà còn là động lực để khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu:

  • Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt;
  • Khuyến khích hình thành các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp đường sắt, cả nhà nước và tư nhân;
  • Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính như vốn ngân sách, vốn vay, trái phiếu công trình, hợp tác công tư (PPP), khai thác quỹ đất theo mô hình TOD…;
  • Đồng thời, quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai.

>> Thủ tướng 'phát lệnh' xây dựng tập đoàn công nghiệp đường sắt, Hòa Phát , THACO, Đèo Cả 'giương cờ' tiên phong

Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ, Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động giải phóng mặt bằng ngay sau khi xác định được hướng tuyến. Giải phóng mặt bằng sẽ được tổ chức thành dự án riêng, bắt đầu với tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Có thể nói, việc đồng loạt triển khai các dự án đường sắt trọng điểm không chỉ giúp cải thiện kết nối giao thông mà còn mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo thiết bị, đào tạo nhân lực, và đặc biệt là tăng nội lực cho doanh nghiệp Việt.

Đây là thời điểm “vàng” để Việt Nam khẳng định vai trò chủ động trong việc phát triển hạ tầng hiện đại và xanh. Nếu tận dụng tốt, đường sắt sẽ không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là động lực lan tỏa cho sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế.

"Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

>> Thủ tướng khuyến khích nhà sản xuất ô tô Skoda 'đa dạng hoá sản phẩm', mở rộng sang lĩnh vực đường sắt và hàng không

Thủ tướng 'phát lệnh' xây dựng tập đoàn công nghiệp đường sắt, Hòa Phát , THACO, Đèo Cả 'giương cờ' tiên phong

Thủ tướng khuyến khích nhà sản xuất ô tô Skoda 'đa dạng hoá sản phẩm', mở rộng sang lĩnh vực đường sắt và hàng không

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ba-sieu-du-an-duong-sat-dong-loat-khoi-dong-mo-duong-cho-nganh-cong-nghiep-duong-sat-viet-nam-285056.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ba 'siêu dự án' đồng loạt khởi động, mở đường cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH