Chính thức thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến
Với hệ sinh thái nghiên cứu và ứng dụng toàn diện, Viện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.
Ngày 26/3, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức ký quyết định thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, trực thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo.
Việc thành lập Viện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ bán dẫn  cũng như vật liệu tiên tiến tại Việt Nam. Đây được xem là động lực góp phần tăng cường năng lực công nghệ cao của đất nước, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực này.
![]() |
Viện có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ vi mạch, chip AI, cảm biến thông minh, công nghệ MEMS/NEMS, vật liệu nano, vật liệu quang điện, cùng nhiều lĩnh vực liên quan. Ảnh: baochinhphu.vn |
Viện tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi như vi mạch, chip AI, cảm biến thông minh, công nghệ MEMS/NEMS, vật liệu nano, vật liệu quang điện cùng nhiều lĩnh vực liên quan. Với định hướng kết hợp giữa nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng, Viện sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và startup công nghệ trong việc đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh rằng bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, Viện còn đặt trọng tâm vào chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
Hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại sẽ hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc khai thác, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Đặc biệt, mô hình phòng thí nghiệm mở (Open Lab) sẽ tạo cơ hội cho các nhóm nghiên cứu trẻ và startup tiếp cận công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo trong nước.
Sự ra đời của Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến đánh dấu bước tiến quan trọng của Đại học Quốc gia Hà Nội trong chiến lược phát triển công nghệ cao, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực bán dẫn và vật liệu mới.
Với hệ sinh thái nghiên cứu và ứng dụng toàn diện, Viện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, hướng tới phát triển các sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam” có giá trị cao.