Gia tộc hoàng gia giàu nhất hành tinh đến Việt Nam gần một tháng: Giàu có thế nào mà đi chuyên cơ, chọn loạt tour xa xỉ?
Theo kế hoạch, đoàn hoàng gia sẽ di chuyển bằng chuyên cơ riêng và hạ cánh trực tiếp tại Sân bay quốc tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vào tháng 7 năm nay.
CEO All Asia Vacation Nguyễn Đức Hạnh, đơn vị tổ chức chuyến du lịch cho hoàng gia Saudi Arabia, chia sẻ với truyền thông rằng, đoàn có 60 người gồm các thành viên và tùy tùng, sẽ bay thẳng tới Việt Nam bằng chuyên cơ. Các thành viên lưu trú trong 28 ngày, dự kiến có hành trình đi dọc từ Bắc vào Nam. Theo kế hoạch, đoàn hoàng gia sẽ di chuyển bằng chuyên cơ riêng và hạ cánh trực tiếp tại Sân bay quốc tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vào tháng 7 năm nay.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn này là vịnh Hạ Long với những trải nghiệm ''hoàn toàn riêng biệt''. Họ dự kiến dành 4 ngày 3 đêm tại Hạ Long, nghỉ đêm trên du thuyền và tham gia gala tại một làng chài trên vịnh. Trong thời gian tham quan vịnh Hạ Long, đoàn khách còn được trải nghiệm màn trình diễn 3D Mapping (sử dụng kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D trên bề mặt tiếp xúc nhằm tạo các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều) trên các núi đá.

Sau đó, đoàn khách hoàng gia trở về Hà Nội và tiếp tục tới Hội An. Họ đang cân nhắc chọn Côn Đảo hoặc Nha Trang làm điểm dừng chân. Đơn vị tổ chức xác nhận TP.HCM cũng nằm trong lịch trình của đoàn khách hoàng gia này.
Hoàng gia Saudi Arabia gồm khoảng 15.000 thành viên, trong đó khoảng 2.000 người nắm giữ phần lớn quyền lực và tài sản. Theo TRT World, tổng giá trị tài sản của họ ước tính khoảng 1.400 tỷ USD, chủ yếu đến từ nguồn thu dầu mỏ và cổ phần trong công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco, đưa họ trở thành gia đình hoàng gia giàu nhất thế giới.
Theo Vietnamnet, gia tộc này giàu gấp 5 lần Elon Musk và Bill Gates cộng lại và có cuộc sống xa hoa đến mức các tỷ phú cũng không thể tưởng tượng được.
Cung điện Al Yamamah - biểu tượng quyền lực và sự xa hoa của Vương quốc Saudi Arabia hiện là nơi ở kiêm văn phòng chính thức của Quốc vương. Tọa lạc tại thủ đô Riyadh, công trình được hoàn thiện vào năm 1983, trải rộng trên diện tích 372.000m². Được thiết kế theo phong cách kiến trúc Najdi truyền thống, Al Yamamah gây ấn tượng với sàn lát đá cẩm thạch nhập khẩu từ Ý và hệ thống trần, tường được chạm khắc tinh xảo đến từng chi tiết. Bên trong cung điện có đến 1.000 phòng cùng loạt tiện nghi xa xỉ như rạp chiếu phim, nhà thờ, khu chơi bowling, và nhiều hồ bơi trải khắp khuôn viên.
Bên cạnh cung điện và các bất động sản thuộc sở hữu tư nhân, mức độ giàu có của hoàng gia Saudi Arabia còn được thể hiện rõ qua các tài sản công khai. Trong số đó, nổi bật là siêu du thuyền Serene – một trong ba du thuyền lớn nhất thế giới do hãng Fincantieri (Ý) đóng. Dài tới 134m, Serene được trang bị bể bơi nước mặn khổng lồ, hai bãi đáp trực thăng, phòng tuyết, khu vui chơi dành riêng cho trẻ em và cả phòng quan sát dưới nước. Trên du thuyền còn được treo bức tranh Salvator Mundi – tác phẩm nghệ thuật đắt giá bậc nhất hành tinh, do chính Thái tử Mohammed bin Salman sở hữu.
Không chỉ dừng lại ở những du thuyền xa hoa, gia tộc hoàng gia này còn sở hữu một đội máy bay riêng gồm các mẫu phi cơ hiện đại và sang trọng bậc nhất thế giới. Trong đó, nổi bật là chiếc Boeing 747-400 – loại máy bay thương mại lớn nhất – đã được hoán cải thành một "cung điện bay" với nội thất lộng lẫy.

Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục đón nhiều đoàn khác tỷ phú - phân khúc khách cao cấp, mức chi tiêu cao và ưa thích những trải nghiệm đặc biệt, độc quyền. Ví dụ ở Hà Giang, khách được đơn vị lữ hành tổ chức cho bay trực thăng từ Hà Nội lên Hà Giang thay vì đi đường bộ hay trải nghiệm thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ…
Nhằm đưa du lịch Việt Nam đi lên, Chính phủ đang nghiên cứu nhiều chính sách kích cầu, nới lỏng. Trong công điện ngày 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương xây dựng và đề xuất chính sách miễn thị thực ngắn hạn, đồng thời cải tiến quy trình xét duyệt thị thực dành cho khách du lịch quốc tế theo các chương trình kích cầu hoặc lời mời ngoại giao văn hóa.
Đối tượng xem xét miễn thị thực không chỉ bao gồm các tỷ phú và nhân vật nổi tiếng, mà còn mở rộng đến các văn nghệ sĩ, vận động viên đẳng cấp quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học và nhà đầu tư có kế hoạch đến Việt Nam du lịch hoặc tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế.
>>TS Phạm Hà: Di sản, văn hóa, phát triển bền vững là ‘chìa khóa vàng’ của du lịch Việt Nam