Thế giới

Giá vàng từng tăng phi mã dưới thời ông Trump, liệu lịch sử có lặp lại?

Vũ Bấc 04/11/2024 - 00:11

Thị trường vàng thế giới đang chứng kiến những biến động mạnh chưa từng có khi cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump bước vào giai đoạn nước rút.

Theo các chuyên gia phân tích, cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 5/11 tới đây được dự báo sẽ là một trong những yếu tố then chốt định hình xu hướng thị trường vàng trong thời gian tới. Điều này được lý giải bởi những khác biệt sâu sắc trong tuyên bố chính sách của hai ứng viên Tổng thống Mỹ.

Trong khi cựu Tổng thống Trump theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc, thì ứng viên đảng Dân chủ - bà Kamala Harris lại ưu tiên thúc đẩy kinh tế nội địa và tăng cường hợp tác quốc tế. Sự đối lập này khiến giới đầu tư lo ngại về những bất ổn có thể xảy ra sau cuộc bầu cử.

Giá vàng từng tăng phi mã dưới thời ông Trump, liêu lịch sử có lặp lại? - ảnh 1
Tân tổng thống Mỹ với các chính sách đối ngoại - đối nội ảnh hưởng đáng kể đến thị trường vàng thế giới

"Vàng luôn được xem là kênh trú ẩn an toàn trong những giai đoạn bất ổn chính trị", một chuyên gia phân tích cao cấp tại Wall Street nhận định. Thực tế cho thấy, trong 4 thập kỷ qua, giá vàng thường có xu hướng tăng mạnh trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ.

Bên cạnh yếu tố liên quan tới cuộc bầu cử, các căng thẳng địa chính trị toàn cầu cũng đang đẩy giá vàng lên cao. Theo dõi biểu đồ giá vàng hàng tháng cho thấy, kim loại quý này thường phản ứng mạnh trước các sự kiện chính trị lớn và hiện chưa có dấu hiệu đảo chiều trong ngắn hạn.

Giới quan sát nhận định, bất kể ai chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, những thay đổi về chính sách và chiến lược địa chính trị sau đó sẽ tiếp tục tác động mạnh đến thị trường vàng. Điều này khiến kim loại quý này vẫn duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Giá vàng dưới thời các đời Tổng thống Mỹ và dự báo 2024

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư vàng khi hai ứng viên Harris và Trump đưa ra những chính sách đối lập hoàn toàn.

Ứng viên Harris đề xuất gói chính sách tập trung vào phát triển kinh tế nội địa, bao gồm hỗ trợ người mua nhà lần đầu, doanh nghiệp nhỏ và đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, bà cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga - một yếu tố được cho là sẽ tác động mạnh đến thị trường vàng.

Ngược lại, cựu Tổng thống Trump chủ trương siết chặt vấn đề nhập cư, tăng thuế hàng hóa Trung Quốc và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho xung đột Nga-Ukraine. Những khác biệt sâu sắc trong chính sách của hai ứng viên, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng và tiền tệ, được dự báo sẽ tạo ra những biến động lớn trên thị trường vàng.

Nhìn lại diễn biến giá vàng dưới thời các đời Tổng thống gần đây cho thấy những xu hướng đáng chú ý. Trong nhiệm kỳ của ông Trump (2017-2021), giá vàng đã vượt ngưỡng kháng cự quan trọng 1.350 USD/ounce và thiết lập mức đỉnh lịch sử 2.075 USD vào cuối năm 2020.

Dưới thời Tổng thống Biden, thị trường vàng có giai đoạn tích lũy quanh mốc 2.075 USD trước khi bứt phá mạnh trong năm cuối nhiệm kỳ. Chỉ báo RSI trên biểu đồ tháng hiện đang cho tín hiệu tương tự giai đoạn trước cuộc bầu cử 2020, báo hiệu khả năng xuất hiện đợt tăng giá mới.

Giá vàng "phi mã" dưới thời Trump: Hệ quả từ chính sách "Nước Mỹ trên hết"

Giá vàng từng tăng phi mã dưới thời ông Trump, liêu lịch sử có lặp lại? - ảnh 2
Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại New York năm 2020

Giai đoạn 2017-2021 chứng kiến đà tăng ấn tượng của giá vàng, phản ánh những biến động sâu sắc từ chính sách điều hành của Tổng thống Donald Trump.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ với hàng loạt đòn thuế quan qua lại đã tạo ra làn sóng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh này, vàng nhanh chóng trở thành "kênh trú ẩn" được ưa chuộng của giới đầu tư quốc tế.

Chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của ông Trump, với xu hướng bảo hộ và cô lập về địa chính trị, càng thúc đẩy tâm lý tích trữ vàng. Đồng thời, các động thái cắt giảm thuế mạnh tay cùng chi tiêu Chính phủ tăng vọt đã làm dấy lên lo ngại về thâm hụt ngân sách và nguy cơ lạm phát.

Fed buộc phải nhiều lần hạ lãi suất để "cứu" thị trường. Tuy nhiên, điều này lại càng đẩy dòng tiền đổ mạnh vào vàng như một kênh bảo toàn giá trị.

Đỉnh điểm là khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, các gói kích thích kinh tế khổng lồ được tung ra đã đẩy giá vàng lên mức kỷ lục mới. Thị trường vàng khi đó phản ánh rõ nét nhất tâm lý lo ngại về viễn cảnh lạm phát phi mã trong tương lai.

Vàng "nóng" dưới thời Biden: Cú huých từ lạm phát và địa chính trị toàn cầu

Nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden chứng kiến những biến động chưa từng có trên thị trường vàng, được định hình bởi ba yếu tố chính: chính sách tiền tệ - tài khóa, địa chính trị toàn cầu và khủng hoảng lạm phát.

Giá vàng từng tăng phi mã dưới thời ông Trump, liêu lịch sử có lặp lại? - ảnh 3
"Bidenomics" - chính sách kinh tế dưới thời ông Biden

Giai đoạn kích thích kinh tế (2021): Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chính quyền Biden đã tung ra gói cứu trợ kinh tế khổng lồ 1,9 nghìn tỷ USD thông qua "Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ". Động thái này, cùng với chính sách duy trì lãi suất thấp kỷ lục của Fed, đã bơm một lượng tiền chưa từng có vào nền kinh tế. Giới đầu tư, lo ngại về nguy cơ lạm phát, đã đẩy mạnh tích trữ vàng như một kênh bảo toàn giá trị.

Bất ổn địa chính trị (2022-2023): Thị trường vàng càng "sôi sục" khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ đầu năm 2022. Làn sóng trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào Nga, cùng với những gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đã đẩy giá vàng lên những mức cao mới.

Tình hình càng trở nên phức tạp với việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang trên nhiều mặt trận. Đồng thời, bất kì ai kế nhiệm chức Tổng thống sẽ đều phải tìm cách giải quyết khủng hoảng trần nợ công Mỹ và các bất ổn địa chính trị mới tại Trung Đông.

Khủng hoảng lạm phát (2022-2024): Đỉnh điểm của cơn sốt vàng đến khi lạm phát tại Mỹ chạm mức cao nhất trong 40 năm vào giữa năm 2022. Fed buộc phải thực hiện chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ thập niên 1980, đẩy lãi suất từ gần 0% lên trên 5%.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dù lãi suất tăng mạnh - vốn thường khiến vàng kém hấp dẫn hơn - kim loại quý này vẫn duy trì đà tăng ấn tượng. Điều này phản ánh tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế, nhu cầu phòng vệ trước rủi ro địa chính trị. Bên cạnh đó là xu hướng đa dạng hóa danh mục đầu tư của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu.

Đến đầu năm 2024, khi có dấu hiệu Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất, thị trường vàng một lần nữa được tiếp thêm động lực tăng giá mới, phản ánh kỳ vọng về một chu kỳ nới lỏng tiền tệ sắp tới.

Dự báo giá vàng dựa trên các kịch bản hậu bầu cử Mỹ

Theo phân tích từ FX Empire, giá vàng có thể biến động theo hai hướng tùy thuộc vào kết quả bầu cử, với các tác động khác biệt rõ rệt từ hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump.

Nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng, giá vàng được dự báo có thể giảm trong những tuần sau bầu cử. Điều này được lý giải bởi mức kháng cự dài hạn trên biểu đồ hàng tuần và tình trạng thị trường đang ở ngưỡng mua quá mức.

Giá vàng từng tăng phi mã dưới thời ông Trump, liêu lịch sử có lặp lại? - ảnh 4
Chính sách kinh tế của bà Harris có khả năng duy trì ổn định như dưới thời ông Biden

Chương trình hành động của bà Harris có thể làm giảm nhu cầu đầu tư vào vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Nhiệm kỳ của bà cũng được kỳ vọng sẽ ít gây áp lực lạm phát hơn so với chính sách của Trump, làm giảm tính hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo giá vàng có thể tăng trở lại vào năm 2025 nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất, củng cố vị thế dài hạn của vàng. Hiện tại, mức kháng cự mạnh quanh mức 2.800-3.000 USD có thể khiến vàng đối mặt với một đợt điều chỉnh lớn trước khi tăng trưởng ổn định.

Ngược lại, nếu ông Donald Trump tái đắc cử, giá vàng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh do áp lực lạm phát và rủi ro bất ổn kinh tế. Những chính sách của Trump, bao gồm thuế quan cao và lập trường cứng rắn về thương mại, có thể dẫn đến bất ổn thị trường, làm gia tăng nhu cầu vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, kế hoạch kinh tế của ông với các biện pháp như bãi bỏ trợ cấp xe điện và điều chỉnh tiêu chuẩn khí thải có thể làm tăng giá dầu và lạm phát. Các yếu tố địa chính trị bất ổn liên quan đến chính sách đối ngoại khó đoán của ông Trump sẽ củng cố thêm sức hấp dẫn của vàng như một hàng rào chống lạm phát và rủi ro thị trường.

Theo Kitco, FXEmpire

>> Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động sâu rộng kinh tế toàn cầu

‘Sát giờ G’ bầu cử Tổng thống Mỹ: So găng từ A đến Z chính sách của ông Donald Trump và bà Kamala Harris

Khi nào có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/gia-vang-tung-tang-phi-ma-duoi-thoi-ong-trump-lieu-lich-su-co-lap-lai-129528.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giá vàng từng tăng phi mã dưới thời ông Trump, liệu lịch sử có lặp lại?
    POWERED BY ONECMS & INTECH