Giá xăng dầu hôm nay 8/8: Quay đầu đi xuống
Giá xăng dầu hôm nay 8/8 trên thị trường thế giới quay đầu đi xuống sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 4.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 8/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng mạnh.
Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng lên mức 23.960 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92-II lên mức 22.790 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng ở mức 20.610 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên mức 20.270 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 1/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.960 | + 1.170 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.790 | + 1.160 |
Dầu diesel | 20.610 | + 1.110 |
Dầu hỏa | 20.270 | + 1.090 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 8/8
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 8/8 quay đầu giảm sau khi đạt mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 4.
Hôm 7/8, giá dầu tăng mạnh vào đầu phiên nhưng sau đó đảo chiều đi xuống.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h20' ngày 7/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,27 USD/thùng, tăng 0,03 USD, tương đương 0,03% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 82,85 USD/thùng, tăng 0,03 USD, tương đương 0,04% so với phiên liền trước.
Đến 21h33' ngày 7/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 85,16 USD/thùng, giảm 1,08 USD, tương đương 1,25% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 81,72 USD/thùng, giảm 1,1 USD, tương đương 1,33% so với phiên liền trước.
Giới phân tích cho rằng, giá dầu quay đầu giảm do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư sau khi giá dầu đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 4.
Các nhà giao dịch cũng tỏ ra thận trọng trước những lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Nhiều người đang theo dõi số liệu về kinh tế Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần này để dò đoán các biện pháp kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá dầu thế giới vài tuần gần đây được hỗ trợ bởi dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất, nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) giảm và hi vọng về các biện pháp kích thích kinh tế tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu phục hồi.
Yếu tố chính khiến giá dầu tăng cao là sự sụt giảm nguồn cung tại Saudi Arabia và cam kết giảm xuất khẩu từ Nga. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ có thể chậm lại trong thời gian tới khi các nhà khai thác vẫn đang thận trọng mở rộng nguồn cung.
Tuần trước, giá xăng dầu thế giới đã ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Đây là chuỗi tăng dài hơi nhất của giá dầu kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, giá dầu Brent có thể biến động quanh mốc 85-90 USD/thùng.