Giải ngân đầu tư công: chủ động từ đầu năm
Kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Chính phủ dự kiến lên tới 791.000 tỷ đồng - một con số khá lớn. Làm sao để nguồn vốn khổng lồ này được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội?
Đ ầu tư công 2025, n guồn lực lớn, áp lực cao
Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công  năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Con số trên tăng hơn 120.000 tỷ đồng so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024.
Chính phủ chỉ rõ, mức bố trí vốn cho từng dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2025; chỉ thực hiện bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã hoàn thành thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định.
Trong khi đó, tình hình giải ngân của năm 2024 lại đang chậm trễ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa khả quan, trong khi quỹ thời gian để đạt mục tiêu giải ngân hơn 95% theo kế hoạch năm 2024 hết tháng 1/2025) ngày càng thu hẹp.
Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2025, TP đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 95% tổng vốn hơn 84.100 tỷ đồng được Thủ tướng giao. Mục tiêu được TP đặt ra trong bối cảnh nhiều năm liền tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở TP Hồ Chí Minh không được như kỳ vọng. Năm 2024, TP đặt mục tiêu giải ngân được 95% tổng vốn phân bổ khoảng 79.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, TP mới giải ngân hơn 56.000 tỷ đồng, khoảng 70% kế hoạch. Dự kiến đến hết tháng 1, con số này tăng lên 60.000 tỷ đồng, đạt khoảng 76%. Tuy nhiên, TP cũng kỳ vọng tỷ lệ đạt được sẽ là 81,4%, bám sát mục tiêu giải ngân đã đề ra.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, mấy năm qua chưa năm nào TP giải ngân đạt 95%. Khối lượng thường dồn rất lớn vào cuối năm. Năm 2025 các địa phương, đơn vị phải cố gắng chủ động hàng tuần, tháng để đạt được chỉ tiêu 95%.
Tại Hà Nội, dự kiến đến hết ngày 31/12/2024, vốn kế hoạch năm 2024 giải ngân đạt 73,5%. Kết quả giải ngân tuyệt đối cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 và cao nhất trong 63 tỉnh, TP, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với ước tỷ lệ bình quân của cả nước.
UBND TP chỉ đạo các đơn vị và địa phương tăng tốc giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024, nhất là các dự án do TP giao cho quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư, vì tỷ lệ giải ngân vẫn còn chậm. TP cũng yêu cầu các dự án lập kế hoạch chi tiết theo tuần, kịp thời nhắc nhở nhà thầu và các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ, trong bối cảnh vướng mắc lớn nhất chủ yếu nằm ở khâu giải phóng mặt bằng.
Năm 2025, kế hoạch đầu tư công của TP Hà Nội là trên 87.000 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với năm 2024. Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Đỗ Thu Hằng, đây là một thách thức lớn đối với TP khi hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khó khăn vướng mắc chính đối trong việc thực hiện các dự án.
Không riêng Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác cũng đang gấp rút, dồn lực cho chặng đua nước rút giải ngân đầu tư công.
Các bộ, ngành và địa phương đang dồn sức cho “chặng nước rút”, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch vốn được giao. Dù chưa cập nhật số liệu giải ngân tháng 12/2024 (thường cao hơn các tháng trước nhờ quyết toán nhiều hạng mục) và vốn năm 2024 còn được phép giải ngân đến cuối tháng 1/2025 (thêm 1 tháng gia hạn), nhưng khả năng hoàn thành mục tiêu 95% vẫn rất khó. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải đẩy mạnh tốc độ, nhằm bảo đảm kết quả tốt nhất.
Không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, ngay từ đầu năm 2025 cần phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án. Đặc biệt, phải chú trọng những công đoạn đầu tiên như chuẩn bị hồ sơ thiết kế, dự toán... Rà soát vốn đầu tư các dự án từ sớm xem có phù hợp, có cơ sở khoa học thực tiễn không để thực hiện. Vai trò của bộ, ngành, các địa phương và người đứng đầu các dự án cũng rất quan trọng.
Nhiều năm qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đầu năm thường chậm hơn cuối năm. Giai đoạn đầu năm, các chủ đầu tư thường tập trung vào hoàn thành khối lượng công trình, hạng mục tương ứng số vốn đã tạm ứng từ năm trước chuyển sang, hoặc hoàn tất giải ngân cho những dự án kéo dài từ năm trước đã hoàn thành. Đây là tình trạng chung trên cả nước. Ngoài ra, giai đoạn đầu năm, sau khi được giao kế hoạch vốn, các dự án mới tiến hành thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, tiến hành ký kết hợp đồng, hồ sơ liên quan... Do vậy, thông thường đến giữa năm, thậm chí cuối năm mới triển khai thi công, tạm ứng vốn. Cuối năm là giai đoạn tất bật giải ngân, hoàn thành các công trình.
Với vai trò quan trọng như vậy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng lớn tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ nhiều góc độ khác nhau.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, đầu tư công thời gian qua đã phát huy vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực để phát triển kinh tế. Bộ KH&ĐT sẽ rà soát, hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
“Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cùng với các luật khác như Luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư. Năm 2025 khi các luật đi vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả, hiệu lực giải quyết các ‘điểm nghẽn’ còn tồn tại”- Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, chúng ta đặt ra mục tiêu tăng đầu tư công rất lớn, đưa ra các đại dự án để đạt được mức tăng trưởng GDP. Các dự án trọng điểm là sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Hà Nội,… Đến nay, cả nước đã có 2.001 km đường bộ cao tốc. Chính phủ yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025. Tầm nhìn đến 2030, cả nước sẽ có 5.000 km đường cao tốc. Việc giải ngân hiệu quả sẽ tạo ra rất nhiều sự thay đổi trong nền kinh tế Việt Nam.
TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành liên quan áp dụng công thức 1-3-7 để thực hiện các công việc, tức khi nhận được thông tin, trong một ngày phải giao ngay cho người tiếp nhận và xử lý. Sau 3 ngày phải báo cáo lại, những công việc phức tạp hơn thì là 7 ngày.
Tại Hà Nội, TP yêu cầu tập trung giải ngân nhanh ngay từ đầu năm, ưu tiên các dự án đã hoàn thành hoặc chuyển tiếp, đặc biệt là các công trình có tầm ảnh hưởng lớn. Các biện pháp giám sát chặt chẽ, khắc phục khó khăn trong thi công và giải phóng mặt bằng được triển khai quyết liệt. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án để đảm bảo điều kiện bố trí vốn.
TP tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.
>>3 nút thắt khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2024 
3 nút thắt khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2024 
Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2025-2030: Kỷ nguyên mới cho hạ tầng quốc gia