Giám đốc ADB: 'Việt Nam cần ưu tiên chất lượng tăng trưởng'
Với vấn đề tăng trưởng của Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng Việt Nam cần ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng vì nền tảng cho tăng trưởng dài hạn của đất nước cần được củng cố hơn nữa.
Ưu tiên chất lượng tăng trưởng
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng từ 7-7,5% và phấn đấu 8% trong năm 2025, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định với khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam phải phấn đấu để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP  trung bình hàng năm là 7%.
Ưu tiên chất lượng tăng trưởng. |
Để bù đắp cho mức tăng trưởng thấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19 , có thể hiểu rằng mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2025 ở mức 8%.
“Với nền tảng kinh tế vĩ mô  vững chắc và đà tăng trưởng ổn định trong năm 2024, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng cao hơn trong năm 2025”, ông Shantanu Chakraborty kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo ông Shantanu Chakraborty, hiện nay vẫn còn nhiều thách thức từ bất ổn kinh tế toàn cầu và những khó khăn trong nước cần được giải quyết để giữ được đà tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
“Việt Nam cần ưu tiên chất lượng tăng trưởng hơn vì nền tảng cho tăng trưởng dài hạn của đất nước cần được củng cố hơn nữa. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 8% nên được coi là định hướng cho các nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”, ông Shantanu Chakraborty.
Trong báo cáo mới nhất công bố vào tháng 12/2024, ADB vẫn duy trì dự báo triển vọng tích cực đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2025 với sự nhấn mạnh vào động lực của thương mại và đầu tư tiếp tục từ những thành công trong năm 2024. ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,6% trong năm 2025 so với mức dự báo 6,2% trong dự báo đưa ra vào tháng 9/2024. Lạm phát được dự kiến vẫn ở mức vừa phải 4% trong năm 2025.
Theo chuyên gia ADB, dự báo khả quan của tổ chức này là dựa trên hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, sự phục hồi nhanh chóng của khu vực chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu, và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, được hỗ trợ bởi sự chuyển hướng chính sách toàn cầu sang nới lỏng tiền tệ và giá hàng hóa toàn cầu ở mức vừa phải (bao gồm cả dầu thô).
Tuy nhiên, những bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng giữa những bất ổn trên thế giới, các động lực bên ngoài của quá trình phục hồi kinh tế đang phải đối mặt với những biến động và rủi ro từ suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra do tác động kéo dài của xung đột Nga-Ukraine, tình hình bất ổn ở Trung Đông và những lo ngại về an ninh ở Biển Đỏ.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị đang gia tăng và những bất định liên quan tới những thay đổi chính sách của chính quyền mới ở Mỹ có thể khiến thương mại toàn cầu bị gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, sản xuất và việc làm, và làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam.
>>Bảng giá đất điều chỉnh gấp 6 lần: Cơ hội biến đất đai thành nguồn lực kinh tế 
Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính
Về động lực dài hạn cho tăng trưởng của đất nước, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh việc đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính.
Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính. |
Theo đó, chuyên gia ADB cho rằng đầu tư (bao gồm đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân) cùng với tiêu dùng và xuất khẩu là ba động lực chính có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
“Đầu tư công vẫn là một trong những động lực chính cho tăng trưởng nên cần ưu tiên đầu tư công như một biện pháp kích thích tài khóa vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài chính. Nợ công của Việt Nam được kiểm soát tốt ở mức khoảng 37,4% GDP tính đến cuối năm 2023, nên Chính phủ còn nhiều dư địa tài khóa để tăng cường đầu tư mạnh hơn vào cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng. Việc đẩy nhanh đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng vừa là nhu cầu cấp thiết vừa là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.
Theo đó, ông Shantanu Chakraborty nhận định FDI sẽ vẫn là động lực chính, đặc biệt khi các công ty tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
“Môi trường chính trị ổn định và lực lượng lao động lành nghề đã giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể tăng lên khi Việt Nam tiếp tục thực hiện những cải cách thể chế, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Shantanu Chakraborty cho biết.
Về tiêu dùng trong nước, ông Shantanu Chakraborty thừa nhận có thể được thúc đẩy nhờ nhu cầu gia tăng từ các biện pháp tài khóa, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp để giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Chính sách phối hợp có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả, có tính đến sự ổn định tương đối về giá và nhu cầu yếu.
Với tầng lớp trung lưu trẻ và đang phát triển, tiêu dùng trong nước có thể sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát và niềm tin của người tiêu dùng.
Với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho rằng đặc biệt là điện tử, dệt may và nông sản, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với những trở ngại từ sự gián đoạn thương mại toàn cầu, cạnh tranh và các quy định khắt khe hơn về môi trường.
“Trong khi thị trường toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trưởng xuất khẩu, tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị trong mạng lưới sản xuất toàn cầu nhằm cải thiện hoạt động xuất khẩu”, ông Shantanu Chakraborty nhận định.
Mục tiêu 7% nằm trong tầm tay, bệ đỡ tăng trưởng đưa kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới