Giảm thuế cho cơ quan báo chí để có thêm nguồn lực tái đầu tư
Nhiều cơ quan báo chí hiện nay kiếm đủ tiền trả lương, nhuận bút cho phóng viên, biên tập viên đã khó chứ chưa nói tới tự đầu tư tái sản xuất, do đó việc áp thuế thu nhập xuống 10% là cần thiết.
Các cơ quan báo chí đều bị sụt giảm nguồn thu
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế với các cơ quan báo chí là rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ.
Từ sau dịch Covid-19 , với một số biến động về sức khỏe doanh nghiệp, về suy giảm thị trường quảng cáo truyền thống, các cơ quan báo chí đều bị sụt giảm nguồn thu quảng cáo, bán báo.
“Trong khi đó, cơ chế để hỗ trợ ngân sách đặt hàng tuyên truyền còn nhiều vướng mắc, chưa thể triển khai. Tức là cơ quan báo chí khó mọi bề.
Là cơ quan báo chí thì nhiệm vụ truyền thông chính sách, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là quan trọng, các báo đều thực hiện rất nhiều tin bài thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng nguồn lực rất thiếu và yếu.
Nếu áp thuế với cơ quan báo chí như với doanh nghiệp là không phù hợp. Bởi vì các hoạt động của cơ quan báo chí không thể đều tính toán có lợi nhuận mới làm như với doanh nghiệp đơn thuần”, bà Nga phân tích.
Chính vì thế, Tổng Biên tập Báo Giao thông bày tỏ đồng tình với đề xuất mà các đại biểu Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam áp thuế chung cho tất cả các loại hình báo chí với mức 10%.
“Lý do, không chỉ báo in mới đang lỗ và cần được hỗ trợ. Hiện giờ, các báo, đài đều đang phải nỗ lực giành được thị phần, có bạn đọc trên môi trường mạng. Thậm chí, tôi cho rằng, với nhiều báo thì việc giữ được sự hiện diện của mình trên môi trường mạng đã là rất khó, mà nếu không có nguồn lực thì phải chấp nhận bỏ cuộc.
Thực tế cho thấy chi phí sản xuất báo điện tử, phát thanh, truyền hình rất cao, còn cao hơn cả chi phí báo in vì phải làm sản phẩm đa phương tiện, làm 24/7, có sự kiện là có tin bài, không có ngày nghỉ, phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, máy chủ, phải đầu tư công nghệ, cần đào tạo nhân sự chuyển đổi số,… Nói chung là có rất nhiều thứ cần phải chi.
Trong khi đó, phần thu của báo điện tử chỉ có nguồn quảng cáo, tuyên truyền đặt hàng của Nhà nước, 99% các cơ quan báo chí hiện nay không có nguồn thu phí đọc báo hoặc có thì không đáng kể, không đủ bù đắp chi phí.
Nhiều cơ quan báo chí hiện nay có đủ tiền trả lương, nhuận bút cho phóng viên, biên tập viên đã khó chứ chưa nói tới tự đầu tư tái sản xuất.
Với những cơ quan có tích lũy, có lợi nhuận thì càng cần được giảm thuế để có cơ hội đầu tư trở lại nâng cao chất lượng.
Nếu được áp mức thuế 10% (hiện nay là 20%), không chỉ với báo in mà với doanh thu chung của các cơ quan báo chí, thì các cơ quan báo chí sẽ có thêm nguồn đầu tư để đào tạo nhân sự, đầu tư trang thiết bị hạ tầng, như vậy mới có thể trở thành lực lượng tinh nhuệ để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh mới”, bà Nga dẫn chứng.
Bà Nga cho biết thêm, dù rất nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu chi phí nhưng năm nay Báo Giao thông vẫn đối mặt với nguy cơ giảm doanh thu. Hầu hết các gói hỗ trợ đặt hàng ngân sách không thể triển khai do báo chưa dược duyệt định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá theo quy định mới, trong khi doanh thu quảng cáo sụt giảm chung theo thị trường.
“Nếu được áp mức thuế 10%, thay cho mức thuế 20%, mỗi năm chúng tôi có thể có thêm hàng trăm triệu đồng để đầu tư cho nhân sự và công nghệ”, bà Nga thông tin.
Thuế ưu đãi 10% riêng cho báo in đã không còn hiệu quả
Đại diện một số cơ quan báo chí ở TPHCM cho rằng việc giảm thuế cho tất cả các loại hình báo chí xuống còn 10% là phù hợp với thực tiễn và tình hình kinh tế báo chí hiện nay.
Ông Đinh Minh Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, chuyện ưu đãi về thuế đã được các cơ quan báo chí kiến nghị từ rất lâu.
Ông Trung chia sẻ: "Nếu nhớ lại mốc thời gian kể từ khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời năm 2008, điều khoản ưu đãi thuế khi đó chưa xem xét đến cơ quan báo chí.
Thời điểm đó, báo in bắt đầu gặp khó khăn và có chiều hướng đi xuống rất nhanh cả về thu nhập và phát hành. Nguyên nhân là do sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, kéo theo cách thức truyền thông của các doanh nghiệp, công ty quảng cáo thay đổi.
Khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013, Quốc hội đã đưa vào nội dung “thu nhập của các cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in, được ưu đãi thuế suất là 10%”.
Tuy nhiên, theo ông Trung, từ năm 2013 trở về sau, báo in tiếp tục đi xuống, thu nhập từ quảng cáo và số lượng phát hành giảm sâu vì bên cạnh mạng xã hội, báo điện tử phát triển nhanh chóng, các nguồn quảng cáo cũng chảy về những nền tảng này.
Cơ quan báo chí phải đa dạng nguồn thu từ phát triển các nền tảng đa truyền thông như làm sự kiện, thậm chí có nơi bắt đầu hoạt động cho thuê văn phòng để tăng nguồn thu.
“Hiện nay, việc ưu đãi thuế 10% cho báo in hầu như không còn ý nghĩa nhiều vì thu nhập mảng này không còn bao nhiêu”, ông Trung nói.
Do đó, ông Trung cho rằng trong xu hướng hiện nay, Nhà nước nên xem “cơ quan báo chí là đối tượng ưu đãi về thuế” mang tính toàn phần hơn, chứ không phải chỉ là báo in như bây giờ.
“Nếu Quốc hội thông qua chủ trương giảm thuế xuống còn 10% sẽ giúp báo chí đỡ đi một khoản tiền phải đóng để có thêm nguồn tái đầu tư cho sự phát triển”, ông Trung bày tỏ.
Đồng quan điểm với ông Trung, Phó Tổng biên tập báo Người Lao động - ông Bùi Thanh Liêm cũng mong muốn Quốc hội thông qua chủ trương về giảm và áp dụng mức thuế chung 10% cho các cơ quan báo chí.
Theo ông Liêm, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội đã làm nguồn thu các cơ quan báo chí giảm mạnh, khiến không ít tờ báo đã và đang vất vả để tồn tại và phát triển.
"Nói như thế để thấy rằng chưa bao giờ nguồn thu từ thị trường lại có tác động mạnh mẽ đến các cơ quan báo chí như bây giờ. Xu hướng quảng cáo đang chuyển dịch sang nhiều không gian khác, như không gian số. Các hình thức như bán hàng online, thương mại điện tử… đã phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống.
Các doanh nghiệp, công ty quảng cáo đã và đang tìm đến những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả hơn là quảng cáo trên báo chí như thời gian trước”, ông Liêm nêu thực tế.
Cũng theo ông Liêm, không gian mạng bây giờ là "trận địa" chính của báo chí, thắng hay bại đều là ở đây.
"Báo chí đang đầu tư, tái cấu trúc để giành lại không gian mạng. Đó là không gian số, công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số…
Do đó, Báo Người Lao động nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung cũng đang tiếp cận với nhiều con đường khác nhau để tăng nguồn thu, tái đầu tư để phát triển, cạnh tranh", ông Liêm phân tích.
Ông Liêm cho biết, Báo Người Lao động là một trong 5 cơ quan được Bộ TT&TT đánh giá là đi đầu trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tờ báo này cũng đang đầu tư cho các nền tảng mạng như Facebook, Youtube, fanpage, truyền hình số… để tiếp cận nhiều hơn với độc giả, đồng thời cũng là để tăng nguồn thu.
Ngoài ra, Báo Người Lao động còn phát triển các chương trình thiện nguyện, nhân ái và những chương trình như “Tự hào cờ Tổ quốc”.
“Các dạng đầu tư nói trên cần nguồn ngân sách lớn, trong khi báo in giảm cả về số lượng phát hành lẫn nguồn thu quảng cáo. Mọi vấn đề đang được báo điện tử và các hoạt động truyền thông khác gánh vác”, ông Liêm nhấn mạnh.
Do đó, ông Liêm cho rằng, việc đặt ra vấn đề giảm thuế thu nhập cho tất cả các loại hình báo chí xuống còn 10% là thực sự cần thiết và phù hợp.
"Nếu được giảm thuế, Báo Người Lao động nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung sẽ có thêm nguồn đầu tư, tái cấu trúc phù hợp với xu thế hiện nay. Đồng thời, cơ quan báo chí tăng thêm động lực về phúc lợi cho người lao động trong lĩnh vực báo chí", ông Liêm khẳng định.