Giúp người trẻ vượt nỗi sợ hôn nhân
Những cuộc hôn nhân đổ vỡ, những mâu thuẫn trong gia đình từ các thế hệ... đã tác động tiêu cực tới quyết định kết hôn của những người trẻ. Nỗi sợ "lặp lại" những nỗi đau của thế hệ trước khiến họ thiếu tự tin để xây dựng một mối quan hệ lâu dài.
Nỗi ám ảnh
Với quan điểm “không hôn nhân vẫn hạnh phúc”, bạn Nguyễn Thị Hồng K. (21 tuổi, quận 12, TPHCM) đã từng phải chứng kiến cảnh tượng bạo hành như cơm bữa của bố mẹ. Đây cũng là lý do khiến cô tự ti, lo sợ khi muốn xây dựng mối quan hệ với người khác.
“Mình cảm nhận được nỗi đau, sự tổn thương tột cùng khi ngày nào cũng chứng kiến cha đánh đập mẹ dã man. Mình vẫn luôn tự nhủ sau này sẽ không kết hôn. Mình không muốn đặt cược hạnh phúc của mình vào người khác. Hôn nhân  sẽ là xiềng xích trói buộc với vô vàn trách nhiệm. Mình không muốn sống cuộc đời của mẹ và lấy phải một người như cha”, K. rưng rưng nói.
Năm K. 8 tuổi, một lần khi bố cô say rượu về nhà, do bị bạn bè khích bác, ông đã ra tay đã đánh đập mẹ và hai chị em K. Mẹ cô phải bế con chạy trốn ở vườn bưởi sau nhà, đêm ấy cắt lá chuối để lót cho hai chị em nằm ngủ.
Đỉnh điểm vào mùng 1 Tết nhiều năm trước, gia đình hay tin bố K. đi đánh bài và nợ nần nên bị giang hồ giữ ở sòng bạc. Trước đó, bố K. đã từng cầm hết tiền trong nhà, cầm cố xe máy và vay ngân hàng đổ dồn vào món đỏ đen ấy khiến gia đình càng trở nên khốn đốn.
“Mình và anh chị đã từng khuyên mẹ ly dị nhưng bà không chịu. Có lẽ vì định kiến xã hội quá lớn. Khi mình hỏi mẹ lý do, mẹ nói không muốn con mình thiếu bố. Nhưng mẹ không nhận ra, vì mẹ tiếp tục nhẫn nhịn như vậy mà tụi mình mới khổ”, Hồng K. chia sẻ.
Cũng chính bởi những ám ảnh về bạo lực gia đình từ nhỏ đã khiến K. hình thành căn bệnh tâm lý. Cô đã phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm giai đoạn 3 trong thời gian dài.
Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta có sự thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỉ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong vòng hơn 30 năm. Cụ thể, từ năm 1989 - 2023, độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 đã tăng lên 29,3 tuổi, từ 23,2 tăng lên 25,1 tuổi đối với nữ vào năm 2023. Tỉ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.
Không được sống trong đầy đủ tình yêu thương của bố mẹ cũng tạo nên trong tâm hồn đứa trẻ những vết xước. Huỳnh Y.L. (22 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết, bố mẹ kết hôn khi mới gần 20 tuổi. Do chưa đủ chín chắn và thấu hiểu nhau dẫn tới những cãi vã và ly hôn khi chưa đầy hai năm sau khi cưới.
L. vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ về thăm mình một lần, rồi bỏ đi không nói lời nào. Mặc dù lúc ấy còn rất nhỏ, nhưng cảnh tượng đó vẫn in sâu vào đầu cô đến tận bây giờ. Từ nhỏ sống với bố, không cảm nhận được tình cảm từ mẹ, không có một gia đình trọn vẹn khiến L. nhiều lần tự ti với bạn bè.
“Mỗi khi xem lại ảnh cưới của bố mẹ, thấy họ cười mà mình chạnh lòng. Mình tự hỏi, phải chăng tình yêu có thể biến mất bất cứ lúc nào. Mình lo sợ nếu sau này lập gia đình và có con, hôn nhân đổ vỡ thì những đứa trẻ tội nghiệp phải làm sao”, L. bày tỏ.
Một số người trẻ sợ rơi vào “vòng lặp” hôn nhân. Ảnh minh hoạ |
Làm thế nào để vượt qua "ám ảnh" hôn nhân?
Tiến sĩ tâm lý học Đặng Hoàng Ngân cho biết, đời sống hôn nhân không hòa thuận của cha mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định kết hôn của con cái.
Chứng kiến hôn nhân đổ vỡ, mâu thuẫn kéo dài là nguyên nhân hình thành sự thất vọng và thiếu tự tin trong các mối quan hệ. Ngay cả khi thấy những cặp đôi khác hạnh phúc, tâm lý người trẻ bị ảnh hưởng vẫn tồn tại niềm tin rằng: Không thể có hạnh phúc khi hai người chung sống. Đó là nỗi thất vọng ngầm ẩn mà những hiểu biết về hình mẫu hạnh phúc cũng chưa thể giúp họ cân bằng được.
Mặt khác, theo chuyên gia, những người được nuôi dạy bằng mẫu ứng xử và phản ứng thiếu lành mạnh của cha mẹ thường vất vả khi xây dựng mối quan hệ cặp đôi với người khác.
Khi người trẻ chưa thực sự hiểu rõ về bản thân và chuyện tình cảm, việc trì hoãn hoặc không kết hôn có thể là biện pháp né tránh tổn thương để tự bảo vệ. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có tác dụng trong một giai đoạn ngắn nhất định.
“Nếu người trẻ không đối mặt với nỗi sợ của bản thân, không chủ động nhìn nhận và xây dựng các mối quan hệ, không có niềm tin lành mạnh về đời sống tình cảm,... họ có nguy cơ tái diễn lại những tổn thương hôn nhân như cha mẹ mình”, chuyên gia chia sẻ.
Tiến sĩ tâm lý học Đặng Hoàng Ngân. |
Để vượt qua những nỗi ám ảnh và có cái nhìn tích cực hơn về hôn nhân, chuyên gia tâm lý cho rằng, người trẻ phải đối mặt và công nhận nỗi sợ đó. Chấp nhận “làm lành” với những ký ức buồn, học cách độc lập cảm xúc, giúp giảm thiểu được suy nghĩ không tích cực.
"Quá trình “tự chữa lành” tâm hồn phải đi đôi với quá trình học cách ứng xử tích cực. Người trẻ cần tìm kiếm và thấu hiểu mong muốn của bản thân. Đồng thời, soi chiếu những mong muốn đó để có những hành vi phù hợp", nữ chuyên gia nói.
Với phương châm “dục tốc bất đạt”, Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân khẳng định, để giúp người trẻ thoát khỏi nỗi sợ vòng lặp hôn nhân đổ vỡ là quá trình cần nhiều thời gian.
Vì vậy, nữ chuyên gia khuyến khích người trẻ hãy sẵn sàng trải nghiệm các mối quan hệ mà đừng lo sợ tới kết quả. Từ những vấp ngã trong các mối quan hệ có thể khiến bản thân vững vàng hơn. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh cần phải có sự chọn lọc các mối quan hệ tiềm năng và lành mạnh.
Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng Gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip.