Bất động sản

Gỡ vướng cho người dân trong vùng quy hoạch

Huy An 28/08/2024 - 11:00

Tính đến thời điểm này, 13 quận, huyện nằm trong phạm vi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đều chưa phê duyệt các quy hoạch chi tiết. Điều này gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cấp phép xây dựng cho người dân…

Để tháo gỡ vướng mắc, TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện vào cuộc quyết liệt giải quyết đời sống dân sinh bức thiết cho người dân.

Hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu

Có một thực tế hiện nay là nhu cầu sử dụng đất của các địa phương ở Hà Nội vào mục đích an sinh, phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Nhất là khu vực các quận nội đô, việc có thêm quỹ đất để sử dụng vào mục đích nói trên đang là mong mỏi của người dân cũng như các cấp chính quyền. Trong khi đó, một diện tích đất không nhỏ nằm ở khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc các quận này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.

Cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc cho người dân nằm trong vùng quy hoạch sông Hồng. Ảnh: Hải Linh
Cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc cho người dân nằm trong vùng quy hoạch sông Hồng. Ảnh: Hải Linh

Mặc dù, với Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016) đã mở ra, cũng như góp phần giải tỏa phần nào nhu cầu cho các khu vực dân cư tập trung hiện có theo quy định được tồn tại, bảo vệ.

Cụ thể theo Quyết định số 429/QĐ-TTg: các địa phương được phép sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.

Thế nhưng, theo ông Hoàng Hoài Dung, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư số 5 phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, nhu cầu quỹ đất được phép mở rộng như trên mới chỉ đáp ứng một phần mong muốn của người dân. Bởi tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và dân số cơ học (trong đó có rất nhiều người dân từ các tỉnh, thành về khu vực nội đô sinh sống) thì các công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa khu dân cư, trường mầm non, trường tiểu học, bãi đỗ xe, chợ, trung tâm thương mại… cần phải được mở rộng hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Đây cũng là mong mỏi của người dân nằm trong vùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo đó, từ năm 2016 đến nay trải qua gần 1 thập kỷ do vướng vào việc chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 mà nhiều công trình phúc lợi xã hội vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, trong đó phải kể đến các công trình hạ tầng đường sá có nhiều đoạn bị hư hỏng. Do hệ thống đường ngoài đê được đầu tư cách đây hơn 10 năm với phần lớn là đường bê tông, trong khi liên tục phải gánh tải nhiều lượt phương tiện ô tô, xe máy, đặc biệt là các xe tải chở hàng, chở vật liệu ra vào thường xuyên, khiến những tuyến đường ngày một xuống cấp…

Tìm giải pháp gỡ vướng

Bên cạnh các công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng giao thông còn thiếu và xuống cấp, người dân sống tại vùng đất bãi còn chịu nhiều thiệt thòi khi nhà ở chật chội, xuống cấp nhưng không được phép xây mới, cải tạo. Chia sẻ về nội dung này, ông Trần Quốc Đạt, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết, để phần nào gỡ vướng, từng bước giải quyết đời sống dân sinh bức thiết cho người dân, UBND TP Hà Nội đã kịp thời có những chỉ đạo đối với các sở, ngành, quận, huyện liên quan.

Cụ thể, UBND TP đã có văn bản số 1407/UBND-ĐT ngày 9/5/2024 giao Sở Xây dựng rà soát, hoàn thiện ban hành văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện. Trên cơ sở Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được phê duyệt, thống nhất việc cấp giấy phép xây dựng đáp ứng nhu cầu về xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở của Nhân dân tại khu vực ngoài đê. Thực hiện chỉ đạo của TP, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Văn bản 4336/SXD-CP, ngày 5/6/2024 hướng dẫn thực hiện giấy phép xây dựng để xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông.

Cụ thể, văn bản phân loại đối tượng được cấp giấy phép chính thức, có thời hạn, sửa chữa, cải tạo theo nguyên trạng hoặc phải di dời theo 3 nhóm. Trong đó, với nhóm 2 là nhà ở riêng lẻ đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn gồm: nằm trong khu vực đã phê duyệt Quy hoạch phân khu, thuộc danh mục các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông được tồn tại bảo vệ theo Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023) phù hợp với định hướng lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong Quy hoạch Thủ đô, đáp ứng các điều kiện về cấp phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại Điều 94 Luật Xây dựng…

Cùng với đó, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 cũng sẽ là một giải pháp gỡ vướng cho người dân nằm trong vùng quy hoạch. Luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch. So với Luật Đất đai năm 2013, các quy định của Luật mới rõ và chi tiết hơn. Cụ thể: Người sử dụng đất được xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn, cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

Thông tin về vấn đề lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, ông Trần Quốc Đạt cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra thực địa, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND quận. Theo đó, Sở NN&PTNT cơ bản thống nhất về ranh giới các khu dân cư tập trung hiện có thuộc khu vực bãi sông Hồng, địa bàn quận Hoàng Mai nằm trong Phụ lục III - Quyết định 257/QĐ-TTg, tương ứng từ K72+384 đến K80+100 đê hữu Hồng, gồm 3 khu dân cư tập trung thuộc địa bàn 3 phường: Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú với tổng diện tích 99,87ha và dân số 13.667 người (Phụ lục III- Quyết định 257/QĐ-TTg: diện tích 135,75ha và dân số 10.698 người)…

Ngoài ra, Sở QH - KT cũng có văn bản gửi UBND quận, tham gia ý kiến đối với hồ sơ Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư hiện có được tồn tại bảo vệ khu vực ngoài đê sông Hồng địa bàn quận. Trong đó góp ý một số vấn đề cụ thể như: phạm vi ranh giới quy hoạch các tuyến đường, ô đất; các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, nhu cầu sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; các dự án đầu tư nằm trong phạm vi ranh giới nghiên cứu quy hoạch; quy mô dân số…

Cũng theo ông Trần Quốc Đạt, trên cơ sở văn bản góp ý của 2 Sở, UBND quận Hoàng Mai sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án lập quy hoạch chi tiết để trình lên Hội đồng thẩm định phê duyệt. Sau khi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, UBND quận sẽ bắt tay ngay vào việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tại các khu vực ngoài đê sông Hồng. Trong đó, đặc biệt là công tác đầu tư, cải tạo, sửa chữa các tuyến đường dân sinh bức xúc, cùng với đó là các công trình phúc lợi xã hội thiết yếu khác phục vụ đời sống của người dân.

>> Giữa lúc cơn sốt đấu giá đất đang nóng hơn bao giờ hết, một huyện vùng ven Hà Nội tung thêm 40 lô đất ra thị trường

Kinh doanh homestay, farmstay hưởng lợi lớn từ Luật Đất đai 2024

Sở Xây dựng TP. HCM: Luật Đất đai 2024 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư trong phân khúc nhà ở xã hội

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/go-vuong-cho-nguoi-dan-trong-vung-quy-hoach.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Gỡ vướng cho người dân trong vùng quy hoạch
    POWERED BY ONECMS & INTECH