Gồng lỗ cùng các hệ sinh thái cổ phiếu

18-04-2022 12:11|Bảo Bảo

Chỉ trong thời gian ngắn, loạt cổ phiếu họ "FLC", họ "Apec", họ "DNP" cũng như nhiều cổ phiếu trong ngành bất động sản đã giảm sâu, mất hàng chục phần trăm thị giá từ đỉnh.

Giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022 là thời điểm "huy hoàng" với hàng loạt cổ phiếu đầu cơ. Tuy nhiên, những biến cố từ vụ đấu giá Thủ Thiêm, khởi tố loạt lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn hay những lo ngại việc FED tăng lãi suất đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Theo quan sát trong tuần từ 12 - 15/4/2022, dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ. Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán VNDirect, đà giảm điểm của thị trường tuần qua một phần đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong bối cảnh rủi ro thị trường gia tăng, làm hụt lực cầu trên thị trường.

Thêm vào đó, dòng tiền có động thái rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ khi các cơ quan quản lý nhà nước đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt đối với những giao dịch bất thường. Đà giảm giá mạnh của cổ phiếu đầu cơ đã kích hoạt làn sóng margin call tại các cổ phiếu này và để duy trì tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, nhiều nhà đầu tư phải bán một số cổ phiếu khác trong danh mục.

Do đó, đà bán ra không chỉ trong nhóm cổ phiếu đầu cơ mà còn lan ra một số nhóm cổ phiếu đại chúng được nhiều nhà đầu tư nắm giữ như ngân hàng, thép, chứng khoán.

Động thái siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ và thông tin về một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý đã có tác động tâm lý tiêu cực đến một bộ phận nhà đầu tư và kích hoạt đà bán ra qua đó khiến các chỉ số chứng khoán điều chỉnh ngắn hạn. Tuy vậy, ông Hinh cho rằng những sự kiện trên chỉ tác động tâm lý tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn.

"Chúng tôi cho rằng đây không phải là lần đầu tiên thị trường có những đợt giảm điểm mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, qua mỗi lần giảm đó thị trường đều hồi phục và thiết lập những đỉnh cao mới. Nếu nền tảng vĩ mô vẫn được cải thiện tích cực trong những quý tới, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022, không có lý do gì phải quá bi quan về triển vọng của thị trường trong năm nay", ông Hinh nhấn mạnh.

"Sách lược" đầu tư chứng khoán tuần 18 - 22/4

Trong bối cảnh đó, dòng tiền có xu hướng rút khỏi các cổ phiếu có tính đầu cơ cao và tìm về các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt.

Chỉ trong thời gian ngắn, loạt cổ phiếu họ "FLC", họ "Apec", họ "DNP" cũng như nhiều cổ phiếu trong ngành bất động sản đã giảm sâu, mất hàng chục phần trăm thị giá từ đỉnh.

Cổ phiếu họ FLC đồng loạt giảm mạnh: Họ FLC là nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều sau quyết định bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết. Mô hình giao dịch cây thông đã hình thành khi thị giá của FLC rơi một mạch từ vùng 23.000 đồng/cp xuống còn 10.400 đồng/cp trong vòng chưa đầy 1 tháng. Kết phiên ngày 15/4, FLC nằm sàn với thị giá 8.250 đồng/cp - giảm 64% so với đỉnh thiết lập 3 tháng trước đây.

Tương tự, cổ phiếu KLF từ vùng giá 10.000 đồng/cp rơi xuống còn 4.900 đồng/cp, ROS của CTCP Xây dựng FLC giảm từ 16.000 đồng/cp xuống còn 5.000 đồng/cp chỉ trong vòng 3 tháng. 2 mã cp nhà FLC này đã mất lần lượt 50% và 70% giá trị. HAI, AMD cũng cùng chung thảm cảnh.

Sang phiên sáng 18/4, nhóm này tiếp tục bay màu trong đó 3/5 mã hiện đã rơi về vùng 4.xxx đồng.

Cổ phiếu liên quan họ "DNP" chóng nở chóng tàn: Các cơn sóng cao kỷ lục chưa từng có tại nhóm cổ phiếu "họ DNP" kể từ phiên ngày 14/03 gây sốt thị trường, kéo dài đà tăng trần liên tiếp nhiều ngày sau đó. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, nhóm cổ phiếu bao gồm DNP, HUT, NVT, VC9, JVC, SVC liên quan đến lãnh đạo Công ty Nhựa Đồng Nai – Chủ tịch Vũ Đình Độ đột ngột giảm sàn đồng loạt. Tính đến kết phiên ngày 15/04, nhóm này đã tạo thành mô hình cây thông khi thị giá giảm mạnh: DNP (-30%), NVT (-37%), VC9 (-44%), HUT (-38%), JVC (-32%) so với đỉnh tạo hồi cuối tháng 3/2022.

Hệ sinh thái Apec chìm thuyền: Sau đà tăng trưởng thần tốc của cổ phiếu "trà đá" trong năm 2021, từ tháng 12/2021 đến nay, Chứng khoán APEC đã miệt mài điều chỉnh.

Cụ thể chỉ trong vòng 4 tháng, APS đã mất gần 54% từ kể từ khi thiết lập đỉnh giữa tháng 11/2021. Cũng trong khoảng thời gian này, IDJ (-45%), API (-39%),... đồng loạt giảm sâu.

Đáng chú ý, đà giảm của các cổ phiếu này diễn ra sau khi lãnh đạo APS hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" tại ĐHCĐ bất thường diễn ra vào cuối năm 2021.

Nỗi buồn cổ phiếu họ Apec...

Cổ phiếu bất động sản lặng sóng: Sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất khu Thủ Thiêm, những cổ phiếu bất động sản nhiều phiên tăng trần ấn tượng trước đó đã cắm đầu giảm sàn, nhiều phiên trắng bên mua.

Thị giá của QCG kết phiên 15/04 là 13.350 đồng/cp - giảm 42% so với đỉnh thiết lập phiên 11/1/2022. DIG, CII cũng tương tự khi giảm từ vùng giá đỉnh lịch sử 120.000 đồng/cp và 58.000 đồng/cp về vùng giá lần lượt là 69.000 đồng/cp và 29.600 đồng/cp.

Một loại các cổ phiếu khác cùng chung số phận như HQC, CEO, LDG, NBB, SCR,...

Động thái bán tháo trên cổ phiếu bất động sản nhiều khả năng xuất phát từ lo ngại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) "siết van" tín dụng vào lĩnh vực này, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.

Sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành với 10.030 tỷ đồng trái phiếu do che giấu thông tin, ngày 8/4, Bộ Tài chính cũng đã chính thức lên tiếng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua và cho biết thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro này.

Giá thép hôm nay 27/12: tiếp tục giảm trước kỳ nghỉ lễ

Giá kim loại đồng ngày 27/12: giữ giá bán

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gong-lo-cung-cac-he-sinh-thai-co-phieu-124916.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Gồng lỗ cùng các hệ sinh thái cổ phiếu
    POWERED BY ONECMS & INTECH