Hà Nội giải tỏa gần 400 căn nhà phục vụ dự án đường vành đai quan trọng của Thủ đô
Việc thực hiện bồi thường, tái định cư cho dự án ước tính khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án "Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5  đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ" là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8.556 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng tuyến đường.
Dự án thành phần 1.1 tập trung vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn quận Hà Đông, với tổng mức đầu tư 684 triệu đồng, do UBND quận Hà Đông làm chủ đầu tư.
Bản đồ vị trí dự án Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng Hà Nội |
Dự án thành phần 1.2 thực hiện công tác tương tự tại huyện Thanh Trì , với tổng mức đầu tư 2.271 tỷ đồng, do UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 2, với mức đầu tư lớn nhất là 5.601 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng tuyến đường chính, do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng Hà Nội đảm nhiệm.
Tuyến đường có chiều dài 10,34km, bắt đầu từ phố Văn Khê (Km0+000) tại quận Hà Đông và kết thúc tại nút giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Km10+340). Đây là tuyến đường trục chính đô thị, được thiết kế với tốc độ tối đa 80km/h, mặt cắt ngang rộng 60-80m, đảm bảo quy chuẩn hiện đại.
>> Tuyến đường ‘đắt nhất hành tinh’ tại Thủ đô sẽ hoàn thành trong năm 2025 
Trên tuyến có 6 cây cầu gồm cầu sông Nhuệ, cầu Hòa Bình, cầu Tô Lịch, cầu vượt đường sắt, cầu vượt Quốc lộ 1A và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ngoài ra, tuyến đường còn bao gồm các nút giao chính như nút giao Văn Khê, nút giao đường trục phía Nam, nút giao đường sắt hiện hữu, nút giao Quốc lộ 1A và nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Dự kiến dự án sẽ thu hồi đất của gần 400 hộ dân. Ảnh minh họa |
Theo báo Lao Động, dự án này dự kiến sẽ cần thu hồi khoảng 129,9ha đất, trong đó có 48,54ha đất trồng lúa hai vụ. Tổng cộng có 386 căn nhà bị giải tỏa, gồm 14 căn tại quận Hà Đông và 372 căn tại huyện Thanh Trì. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được ưu tiên triển khai đồng bộ để đảm bảo tiến độ dự án.
Chủ đầu tư dự kiến lựa chọn nhà thầu thi công trong giai đoạn quý IV/2024 - quý I/2025. Toàn bộ công trình sẽ hoàn thành, bàn giao vào quý IV/2027. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa khu vực phía Tây Nam Hà Nội với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, góp phần giảm tải cho các tuyến Vành đai 3 và 4.
Về Vành đai 3,5, đây không chỉ là một tuyến giao thông huyết mạch quan trọng của Thủ đô mà còn là trục kết nối xuyên qua khu dân cư hiện trạng và các khu đô thị mới. Theo quy hoạch, tuyến đường này bắt đầu từ Khu công nghiệp Quang Minh, qua cầu Thượng Cát, đến cầu Ngọc Hồi và kết thúc tại điểm giao cắt với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại địa phận tỉnh Hưng Yên, với tổng chiều dài khoảng 42km.
>> Nút giao phức tạp và lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM hiện ra sao sau nửa năm thi công?
Nút giao phức tạp và lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM hiện ra sao sau nửa năm thi công? 
TP. HCM chuẩn bị thu hồi đất của hơn 1.100 hộ dân phục vụ đường vành đai dài 64km