Nút giao phức tạp và lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM hiện ra sao sau nửa năm thi công?
Sau hơn nửa năm thi công, nút giao phức tạp và lớn nhất của dự án hơn 75.000 tỷ đồng hiện đang được đẩy nhanh tiến độ dù gặp khá nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Thông tin mới nhất trên báo Xây Dựng cho biết, nút giao Tân Vạn - nút giao lớn nhất và được đánh giá phức tạp nhất tại Dự án Vành đai 3 TP. HCM hiện đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Theo đó, công trình này thuộc Gói thầu XL1 - xây dựng nút giao Tân Vạn thuộc dự án thành phần 5 Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương (gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi). Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, được khởi công vào cuối tháng 5/2024 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2026, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.
Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM đi qua tỉnh Bình Dương có chiều dài 26,6km; trong đó điểm đầu từ nút giao Tân Vạn có chiều dài 2,4km, đoạn trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km và đoạn còn lại từ nút giao Bình Chuẩn đến cầu Bình Gởi, bắc qua sông Sài Gòn dài 8,9km.
>> Tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp có khu tái định cư nghìn tỷ, quy mô gần 20ha với 1.300 căn hộ
Nút giao Tân Vạn là nút giao lớn nhất và được đánh giá phức tạp nhất tại Dự án Vành đai 3 TP. HCM. Ảnh: Báo Xây Dựng |
Theo ghi nhận của báo Xây Dựng, hiện nay trên công trường, nhà thầu đã huy động 78 máy móc thiết bị cùng hàng trăm kỹ sư và công nhân, đồng loạt triển khai 15 mũi thi công nhằm thực hiện xử lý đất yếu, đào đắp nền đường, đúc dầm, khoan cọc nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Sau hơn nửa năm thi công, công tác giải phóng mặt bằng hiện mới chỉ đạt hơn 77%. Theo liên danh nhà thầu, hiện tại một số vị trí mặt bằng bàn giao vẫn chưa liền tuyến khiến cho quá trình thi công gặp khá nhiều khó khăn.
Hiện đơn vị thi công đang tiến hành đẩy nhanh tiến độ ở các hạng mục. Ảnh: Báo Xây dựng |
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, cáp quang cũng chưa thực hiện di dời, công tác tháo dỡ tài sản, bàn giao mặt bằng vẫn còn diễn ra chậm.
Theo như thiết kế, Dự án Vành đai 3 có chiều dài 76km, đi qua 4 địa phương gồm: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng.
Phối cảnh nút giao tân Vạn sau khi hoàn thành. Ản minh hoạ |
Dự kiến, Dự án Vành đai 3 sẽ hoàn thành vào năm 2025 và thông xe toàn tuyến vào năm 2026. Sau khi hoàn thành, đây được đánh giá là công trình có vai trò và ý nghĩa quan trọng, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, tăng cường kết nối khu vực cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trọng điểm phía Nam.
Trước đó, thông tin trên báo VnExpress cho hay trong thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, sau khi làm việc với các đơn vị liên quan về Dự án Vành đai 3 đang triển khai, đi qua TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì đây là nút giao lớn nhất Vành đai 3, được nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh giúp khơi thông cửa ngõ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Vị trí nút giao Tân Vạn. Ảnh: Internet |
Nút giao Tân Vạn "án ngữ" trên địa bàn TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đây được xem là cửa ngõ của 3 tỉnh/thành với lưu lượng xe rất lớn.
Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá nút giao Tân Vạn là nút giao quan trọng, lưu lượng xe lớn và tổ chức giao thông khá phức tạp.
Thời điểm cuối tháng 6/2024, Quốc hội đã ra Nghị quyết 140, trong đó có ý kiến nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh nút giao này, các bên liên quan đã được yêu cầu rà soát phần vốn dư của Vành đai 3 để tính toán phương án, thẩm quyền đầu tư nút giao.