Uỷ ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì lập đề án kiến tạo môi trường nước đối với những con sông bị ô nhiễm trầm trọng như Tô Lịch, Kim Ngưu...
Trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã có buổi làm việc với Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND), UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam vào hôm 17/5.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Thủ đô hiện nhận diện đầy đủ về ô nhiễm không khí, nước, xử lý chất thải rắn cũng như chất lượng môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, vành đai xanh của Thủ đô. Hiện TP. Hà Nội đang nghiên cứu mô hình xanh, mục tiêu tạo đô thị hiện đại, xanh, thông minh.
>> Lộ diện 'vùng đất hứa' ở Sài Gòn: Dự báo sẽ 'cất cánh bay xa' nhờ loạt dự án hạ tầng 'tầm cỡ'
UBND TP. Hà Nội hiện đang giao Sở TN&MT thiết lập đề án xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó có nêu rõ về mối liên hệ của Hà Nội với 10 tỉnh, TP trong vùng.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng đã giao Sở TN&MT chủ trì lập đề án kiến tạo môi trường nước của các con sông bị ô nhiễm trầm trọng như: Tô Lịch, Kim Ngưu... và đến nay đề án cơ bản đã hoàn thành, kinh phí lớn, chủ đạo là xử lý Sông Tô Lịch. Hiện Hà Nội cũng có nhà máy nước thải Yên Xá dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm 2025.
Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, TP. Hà Nội dành sự quan tâm cho vấn đề này, trọng tâm là triển khai Dự án nhà máy nước thải Yên Xá, làm "sống lại" các con sông Tích, sông Đáy; xây dựng trạm bơm Liên Mạc; xây dựng nhà máy điện rác thải Seraphin; các dự án  nước sạch nông thôn...
Ngoài ra các đại biểu cũng cho rằng TP. Hà Nội cần tiếp tục quan tâm và giải quyết các vấn đề về nước sạch sinh hoạt, đảm bảo thu nhập cho công nhân môi trường; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán cho doanh nghiệp vệ sinh môi trường.
Hà Nội sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc với nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, điều hoà không khí, tiêu thoát nước.
Mặc dù vậy, do quá trình đô thị hoá và sự gia tăng dân số, các dòng sông hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng như mỹ quan đô thị...
Sông Tô Lịch có chiều dài 14km bắt nguồn từ P. Nghĩa Đô, Q. Cầu Giấy, đổ ra sông Nhuệ - đoạn Hữu Hoà (huyện Thanh Trì). Dòng sông này gắn bó với người dân Thủ đô, mang đậm giá trị về lịch sử và văn hoá. Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, dòng sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sống Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Đa phần lượng nước thải sinh hoạt này đều không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.
Các sông khác như Kim Ngưu, Sét... cũng trở thành nơi chứa nước thải, lắng đọng bùn đất, rác thải cũng như ô nhiễm trong hàng chục năm nay.
Một số chuyên gia môi trường cho rằng Thủ đô cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực như: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của TP. Hà Nội nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt sông... Các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, hệ thống xử lý nước thải... cũng cần được xây dựng nhanh chóng. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết di dời đối với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường...
>> Lộ trình di dời của KCN lâu đời nhất Việt Nam: ‘Gặp khó’, nhiều 'nút thắt' chờ được 'gỡ'
Bảng giá đất Hà Nội tăng cao: Người dân được nợ thuế phí, chặn đà đẩy giá? 
ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến giảm 35 đến 40% các ban, phòng và 15% biên chế