Xã hội

Hà Nội tăng giá vé xe buýt: Hành khách nói gì?

Phùng Linh 02/11/2024 10:35

Từ ngày 1/11, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt có trợ giá. Nhiều người dân cho rằng, giá vé tăng phải đi cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, giảm xe xả khói đen, chết máy giữa đường.

Sau 10 năm duy trì mức giá ổn định, từ ngày hôm nay (1/11), giá vé xe buýt Hà Nội chính thức áp dụng khung giá vé mới. Theo đó, cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt. Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt (tăng khoảng 60%).

Hà Nội tăng giá vé xe buýt: Hành khách nói gì? ảnh 1
Ngày 1/11/2024, giá vé xe buýt đã được nhân viên bán vé thông báo với hành khách giá vé đã được điều chỉnh so với những ngày trước đó.

Đồng thời, vé tháng sẽ có mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).

Bà Nguyễn Minh Thư (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) không thường xuyên di chuyển bằng xe buýt nên việc tăng giá khiến bà khá bất ngờ. “Việc tăng giá không quá chênh lệch, vẫn đảm bảo trong mức chi của tôi cho phương tiện đi lại. Cũng mong là việc tăng giá sẽ đồng thời giúp cải thiện phương tiện, chất lượng dịch vụ các chuyến đi để nhiều người tiếp cận với xe buýt", bà Thư bộc bạch.

Ghi nhận trong ngày đầu tăng giá, đông đảo người dân chia sẻ cùng thành phố về việc phải trợ giá hàng nghìn tỷ mỗi năm cho xe buýt, từ đó giảm gánh nặng và khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, người dân kỳ vọng rằng, các đơn vị liên quan cần có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng và tốc độ vận hành của dịch vụ xe buýt trợ giá.

Kỳ vọng chất lượng xe và dịch vụ cũng tăng

Theo ông Dương Văn Nguyên, lái xe trên tuyến buýt 74 (Xuân Khanh - Bến xe Mỹ Đình), sau khi có thông báo chính thức đổi giá vé, tuyến cũng đã niêm yết giá vé mới trên xe nên đa số khách hàng đều phản ứng tích cực. Mọi người đều kỳ vọng việc tăng giá sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và đời sống người lao động.

“Trong ngày đầu áp dụng, hành khách đều thấy bình thường và cho rằng đây là mức giá chấp nhận được. Với những người chưa cập nhật thông tin thì khá bất ngờ nhưng không có khách nào muốn bỏ chuyến khi thấy tăng giá vì đã được chúng tôi giải thích kịp thời. Chủ trương 10 năm nay của thành phố chưa tăng giá lần nào, nên cả nhân viên phục vụ và hành khách như chúng tôi đều hiểu cho việc tăng giá này”, ông Nguyên cho biết.

Cùng với việc không băn khoăn quá nhiều về giá vé xe buýt tăng lần này, nhưng nhiều hành khách cũng nêu ý kiến: Hiện chất lượng xe và dịch vụ trên nhiều tuyến buýt cũng cần phải được cải thiện và thay đổi theo. Cụ thể, lượt xe đang di chuyển chết máy đột ngột giữa đường vẫn diễn ra, vẫn còn xe xả khói đen; cùng với đó xe chậm chuyến, lượt do ùn tắc giao thông vẫn nhiều. Thực tế này vừa khiến hành khách đang sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng chưa văn minh, chưa đảm bảo thời gian hành trình trên mỗi chuyến đi.

"Với học sinh, sinh viên, người làm việc văn phòng, công sở mặc dù rất muốn tiếp cận dịch vụ xe buýt nhưng do xe hiện nay vào giờ cao điểm xe buýt đang di chuyển chậm hơn xe cá nhân, các dịch vụ xe công nghệ nên chưa thể là lựa chọn thường xuyên của chúng tôi" - chị Thanh, một nhân viên văn phòng trên đường Tây Sơn, Đống Đa nêu thực tế.

Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay trung tâm đã và đang tham mưu cho thành phố và Sở GTVT nhiều giải pháp mở rộng vùng "phủ sóng" của mạng lưới tuyến buýt; cùng với là các kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó có việc hiện đại hóa toàn bộ xe đoàn xe buýt bằng các xe thay mới, xe trên tuyến buýt mở mới là phải sử dụng xe nhiên liệu sạch. Việc này cũng giúp, tiến tới sau năm 2030 toàn bộ mạng lưới xe buýt Hà Nội sẽ sử dụng có động cơ chạy nhiên liệu xanh, nhiêu liệu sạch. "Việc tăng giá vé xe buýt lần này vừa nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ, vừa giảm sự trợ giá của ngân sách thành phố, tiến tới hành khách sử dụng một loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại, văn minh hơn" - ông Phương nói.

Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có hơn 2.000 xe buýt, trong đó trăm xe sử dụng năng lượng sạch. Hỗ trợ tài chính cho xe buýt từ ngân sách thành phố tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ mức trung bình 1.370 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2015-2019 lên đến 2.750 tỷ đồng vào năm 2023.

>> Từ ngày 1/11, những đối tượng nào tiếp tục được miễn phí tiền vé xe buýt?

Ưu tiên đồng bộ hạ tầng xe buýt và kết nối giao thông công cộng

Đến năm 2035, 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe điện

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/ha-noi-tang-gia-ve-xe-buyt-hanh-khach-noi-gi-post1687757.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hà Nội tăng giá vé xe buýt: Hành khách nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH