Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sẽ chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần tại CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai (Bệnh viện ĐHYD-HAGL) để trả nợ gốc trái phiếu 2016.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG ) công bố thông tin Trích lục Nghị quyết Hội đồng quản trị số 27/23/NQHĐQT-HAGL ngày 26/12/2023 về việc chuyển nhượng cổ phần CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai (Bệnh viện ĐHYD-HAGL). Mục đích thông qua việc chuyển nhượng cổ phần để trả nợ gốc trái phiếu 2016.
Theo đó, HAGL sẽ chuyển nhượng toàn bộ 9.900.000 cổ phần, tương đương 99% tỷ lệ sở hữu tại Bệnh viện ĐHYD-HAGL, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
HĐQT ủy quyền và giao cho bà Hồ Thị Kim Chi, chức danh Phó Tổng Giám đốc, đại diện ký kết các hợp đồng, thỏa thuận, văn bản, tài liệu, và triển khai thực hiện các thủ tục khác liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần.
Trước đó, chiều 15/12, tại Hội nghị Gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT HAGL, thông tin sẽ bán Bệnh viện HAGL để trả nợ. Ngoài ra, bầu Đức cũng khằng định, tới năm 2026 HAGL sẽ trả hết nợ và trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động.
Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai |
Theo giới thiệu trên website, Bệnh viện ĐHYD-HAGL có trụ sở tại đường Lê Duẩn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, là bệnh viện đa khoa được thành lập dựa trên sự hợp tác của hai thương hiệu lớn: Bệnh viện ĐHYD TP HCM và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Hiện nay, bệnh viện có 11 Khoa Nội Trú, 6 Phòng chức năng và 20 Phòng khám chuyên khoa.
Để trả nợ lô trái phiếu phát hành năm 2016, HAGL cũng từng bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 đường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng cách đây vài tháng. Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được biết đến là khách sạn tiêu chuẩn bốn sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, nằm ngay quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku, hoạt động từ cuối năm 2005, công suất 117 phòng. Bên mua là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai mới thành lập từ ngày 20/6.
>> Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sẽ trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ?