Chứng khoán

Hai cổ phiếu VN30 bay cao giữa 'bão' thuế quan, một cổ đông tăng thêm 400 triệu USD tài sản

Quốc Trung 14/04/2025 07:15

Giữa đợt lao dốc của VN-Index sau thông tin Mỹ áp thuế, VIC và LPB là hai cái tên hiếm hoi đi ngược dòng. Cổ đông Vingroup và LPBank gần như bình yên vượt qua một tuần thị trường giông bão.

Đêm 2/4, rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo sau khi Mỹ công bố danh sách áp thuế đối ứng với 180 quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng xoáy. Chỉ trong bốn phiên từ 3–9/4, VN-Index mất 223 điểm – tương đương 16,6% vốn hóa thị trường bốc hơi.

Thị trường chỉ hồi phục trong phiên 10/4 với mức tăng 74 điểm, đưa chỉ số lên sát mốc 1.170. Nhưng giữa đợt điều chỉnh sâu ấy, chỉ hai cổ phiếu trong nhóm VN30 không những trụ vững mà còn tăng giá: VIC của Vingroup và LPB của LPBank .

Đến hết phiên 10/4, hai cổ phiếu này là những "người sống sót hiếm hoi", duy trì giá cao hơn so với thời điểm trước cú sốc (phiên 2/4). Điều này đồng nghĩa, cổ đông VIC và LPB không chỉ bảo toàn tài khoản mà còn chứng kiến tài sản gia tăng giữa khủng hoảng.

Phiên 11/4, VIC bứt phá tăng trần lên 65.100 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, giai đoạn VinFast lần đầu niêm yết trên sàn Nasdaq. LPB cũng tăng 1,5%, đóng cửa tại 34.200 đồng. Những bước tăng này không chỉ củng cố vị thế trong rổ VN30 mà còn tạo động lực tâm lý tích cực giữa thời điểm nhà đầu tư thận trọng.

Từ giữa tháng 2/2025, VIC trở thành trụ đỡ chính của thị trường, tăng gần 64% – vượt trội so với phần còn lại của VN30. Thanh khoản cổ phiếu cải thiện mạnh, khối ngoại trở lại mua ròng tích cực – riêng phiên 13/3 ghi nhận giá trị mua ròng lên tới 267 tỷ đồng.

Không dừng lại ở tác động thị trường, cú tăng giá VIC còn giúp ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup – "tái bứt tốc" trên bảng xếp hạng Forbes. Tính đến giữa tháng 4/2025, tài sản của ông đạt 8 tỷ USD – tăng 400 triệu USD chỉ sau thông tin áp thuế và hơn 3,6 tỷ USD so với đầu năm, hiện xếp thứ 361 người giàu nhất thế giới.

Ông Vượng hiện sở hữu trực tiếp hơn 691 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp qua nhiều pháp nhân như Xanh SM, VMI hay Vietnam Investment Group. Ông cũng là cổ đông lớn tại VinFast .

Hồi giữa tháng 6 năm ngoái, tài sản của ông Vượng được Forbes định giá 4,2 tỷ USD. Thời điểm đó, vị tỷ phú từng gây chú ý khi khẳng định sẽ hỗ trợ tài chính cho VinFast "cho đến khi tôi hết tiền thì thôi". Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên cuối tháng 4/2024, ông cũng đi thẳng vào những lo ngại về việc dồn lực cho VinFast, tái khẳng định đây không chỉ là dự án kinh doanh mà còn mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội.

Theo ông, mục tiêu của VinFast là không chỉ sản xuất xe mà còn vươn lên nhóm dẫn đầu thế giới. Do đó, ông cam kết dành mọi nguồn lực cho dự án này. Sau khi rót 1 tỷ USD, vị tỷ phú cho biết sẽ tiếp tục thu xếp ít nhất 1 tỷ USD nữa từ tài sản cá nhân để hỗ trợ hãng xe điện.

>> VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bán hơn 12.000 ô tô điện trong tháng 3, 'vua doanh số' gọi tên VF 5

Phiên 11/4: Nhà đầu tư 'hả hê' mua bán, hơn 38.000 tỷ đồng kéo VN-Index tăng 54 điểm

CTCK hạ mạnh dự báo VN-Index cuối năm 2025 từ 1.460 về 1.100 điểm, lo ngại cú sốc thuế của Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hai-co-phieu-vn30-bay-cao-giua-bao-thue-quan-mot-co-dong-tang-them-400-trieu-usd-tai-san-286588.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hai cổ phiếu VN30 bay cao giữa 'bão' thuế quan, một cổ đông tăng thêm 400 triệu USD tài sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH