Hai ứng viên tổng thống Mỹ hối hả ‘chạy xô’ trong ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử
Mùa tranh cử tổng thống Mỹ với nhiều biến cố - một ứng viên mấy lần bị ám sát hụt và phải hầu toà, còn tổng thống đương nhiệm phải rời khỏi đường đua - cuối cùng đã đi đến hồi kết, bằng nỗ lực cuối cùng ở một vài bang chiến trường trong buổi tối trước ngày bầu cử.
Bà Harris bắt tay ông Trump trước khi bước vào cuộc tranh luận tổng thống trên ABC News, ngày 10/9. (Ảnh: AP) |
Bà Kamala Harris dành toàn bộ ngày 4/11 ở Pennsylvania, nơi chiếm tới 19 phiếu đại cử tri, nhiều nhất trong số 7 bang chiến trường sẽ quyết định kết quả của Đại cử tri đoàn.
Phó tổng thống sẽ đến thăm các khu của tầng lớp lao động như Allentown và kết thúc bằng sự kiện vào tối muộn ở Philadelphia, với sự tham gia của Lady Gaga và Oprah Winfrey.
Trong khi đó, đối thủ Donald Trump  lên kế hoạch tổ chức 4 cuộc vận động ở 3 bang, bắt đầu tại Raleigh, Bắc Carolina, và hai điểm ở Pennsylvania với các sự kiện ở Reading và Pittsburgh. Ông kết thúc chiến dịch của mình bằng sự kiện vào tối muộn 4/11 tại Grand Rapids, bang Michigan.
Khoảng 77 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, nhưng bà Harris và ông Trump vẫn nỗ lực để vận động thêm cử tri đi bỏ phiếu.
Nếu chiến thắng, sẽ giúp ông Trump chấm dứt các cuộc điều tra liên bang đang chờ xử lý. Ông cũng sẽ trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Mỹ đắc cử không liên tục, sau ông Grover Cleveland vào cuối thế kỷ 19.
Trong khi đó, bà Harris đang nỗ lực hết mình để trở thành người phụ nữ đầu tiên, người phụ nữ da đen đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên làm chủ Nhà Trắng, 4 năm sau khi bà phá vỡ những rào cản tương tự để trở thành cấp phó của Tổng thống Joe Biden.
Bà Harris vươn lên dẫn đầu danh sách ứng cử viên của đảng Dân chủ sau màn thể hiện thảm hại của Tổng thống Biden trong cuộc tranh luận vào tháng 6, dẫn đến việc ông rút khỏi đường đua. Đó chỉ là một trong hàng loạt biến cố xảy ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm nay.
Đến ngày cuối cùng, bà Harris hầu như không còn nhắc đến ông Trump. Bà hứa sẽ giải quyết các vấn đề và tìm kiếm sự đồng thuận, trong khi vẫn thể hiện thái độ hoàn toàn lạc quan.
"Ngay từ đầu, chiến dịch của chúng tôi không phải là chống lại điều gì đó, mà là ủng hộ điều gì đó", bà Harris phát biểu vào tối 3/11 tại Đại học Michigan.
Tại Allentown, nơi sinh sống của hàng chục nghìn người Puerto Rico, bà Harris tổ chức một cuộc mít tinh với ca sĩ nhạc rap Fat Joe trước khi đến thăm một nhà hàng Puerto Rico ở Reading với hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez.
Cả Fat Joe và Ocasio-Cortez đều là người nguồn gốc Puerto Rico. Điểm dừng chân này được lựa chọn sau khi một diễn viên hài tham gia sự kiện của ông Trump đã gọi Puerto Rico là "hòn đảo rác nổi".
Ông Trump có kế hoạch bỏ phiếu tại Florida vào ngày bầu cử.
Ông luôn nhắc lại khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "Nước Mỹ trên hết", nhấn mạnh cách tiếp cận cứng rắn đối với vấn đề nhập cư và chỉ trích gay gắt chính quyền Biden – Harris vì tình trạng lạm phát. Ông hứa sẽ mang lại "thời kỳ hoàng kim" về kinh tế, chấm dứt xung đột quốc tế và đóng cửa biên giới phía nam của Mỹ.
Kết quả cuộc bầu cử có thể được quyết định tại 7 bang chiến trường. Ông Trump đã giành chiến thắng tại Pennsylvania, Michigan và Wisconsin năm 2016, nhưng các bang này lại chuyển sang ủng hộ ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020. Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nevada cũng là các bang chiến trường quan trọng trong mùa bầu cử năm nay.
Ông Trump đã chiến thắng tại Bắc Carolina 2 lần và thua ở Nevada 2 lần. Ông giành chiến thắng ở Arizona và Georgia năm 2016 nhưng lại thua ở đó năm 2020.
Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động nhiều nước: Ai ủng hộ ai? 
Sau bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng sẽ diễn biến ra sao?