Trong 5 năm tới, Hàn Quốc sẽ thiếu hụt 490.000 nhân lực số. Hàn Quốc đang tìm kiếm nguồn nhân lực số trên toàn cầu và ra sức hợp tác để phát triển mô hình đại học số tại Việt Nam.
Hàn Quốc trong “cơn khát” nhân lực số
Hàn Quốc đang gặp phải khó khăn với việc thiếu hụt nguồn nhân lực số. Để giải quyết vấn đề này, một trong những mục tiêu mà nội các của Tổng thống Yoon Suk Yeol đặt ra trong nhiệm kỳ này là phải đào tạo ra được 1 triệu nhân lực số cho đất nước.
Dự đoán cho thấy, quốc gia này cần tới 740.000 nhân lực số trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, theo ông Lee Byung Moog, Giám đốc Trung tâm hợp tác CNTT Hàn quốc tại Hà Nội (KICC, thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc), với khả năng đào tạo hiện tại, Hàn Quốc sẽ thiếu hụt tới 490.000 người có trình độ trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nhằm giải quyết câu chuyện trên, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chiến lược khác nhau, trong đó có sự kết hợp giữa trường đại học với các doanh nghiệp, song song với việc chuyển đổi về chương trình đào tạo, biến các nội dung về phần mềm trở thành một môn học đại cương.
Nước này còn đẩy mạnh việc đào tạo kiến thức số từ các cấp giáo dục nhỏ. Trong đó, Hàn Quốc dự kiến tăng gấp đôi thời lượng đào tạo giáo dục số với khối mẫu giáo, tiểu học, THCS, từ 30 lên 60 tiếng. Cùng với đó là việc triển khai các chương trình ươm mầm tài năng số tại các trường cấp 3 chuyên.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng triển khai những giải pháp như đẩy mạnh hệ thống giáo dục trực tuyến mở (K-MOOC), đào tạo các kiến thức về phần mềm, trí tuệ nhân tạo theo hình thức trực tuyến cho quân nhân, hay “xóa mù” về công nghệ nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền.
Để tận dụng nguồn nhân lực số toàn cầu, Hàn Quốc đã và đang triển khai nhiều chính sách như miễn visa để tạo điều kiện cho các nhân tài sang sinh sống và làm việc tại nước này.
“Tại Việt Nam, chúng tôi cũng đã tổ chức các khóa học 3 tháng để đào tạo nhân lực số người Việt cho các doanh nghiệp Hàn Quốc”, Giám đốc Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc tại Hà Nội nói.
Đại học số - lời giải cho bài toán nguồn nhân lực 4.0
Theo Giáo sư Lee Sung-Tae của đại học ảo Seoul Cyber University (SCU), những năm gần đây, tại Hàn Quốc đang rất phổ biến mô hình trường đại học số. Nhiều nội dung học tập của nước này đã được chuyển lên môi trường trực tuyến, thậm chí ở cả những môn học rất đặc thù như đào tạo sinh viên thanh nhạc, piano.
Điều này có thể được thực hiện là nhờ các mô hình lớp học trực tuyến thông minh, nơi sinh viên có thể sử dụng phần mềm hoặc con chuột máy tính để tương tác trong quá trình học. Ví dụ trong tiết học đánh trống, sinh viên có thể sử dụng chuột để tương tác thay cho dùi trống nhằm tạo ra âm thanh.
Trong câu chuyện trên, vấn đề quan trọng nhất là làm sao xây dựng được nội dung hấp dẫn cho các khóa học online. Các trường đại học Hàn Quốc cũng đã triển khai các cuộc khảo sát, điều tra, đánh giá nhu cầu của sinh viên để từ đó xây dựng các khóa học tốt hơn.
Đây cũng là lý do các lớp học online tại nước này có xu hướng chuyển đổi từ mô hình PC sang các nội dung tương thích với mobile. Bên cạnh đó, tại trường đại học Seoul Cyber University cũng đang triển khai mô hình SCU Metauniverse, đây là một không gian ảo để sinh viên có thể học tập, trao đổi, hay nhận sự trợ giúp từ các cố vấn online.
Giáo sư Lee Sung-Tae cho hay, từ năm 2023, Seoul Cyber University đã có sự hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để phát triển mô hình đại học số tại Việt Nam. Thông qua sự hợp tác này, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được gợi mở về mô hình hoạt động và vận hành để trở thành một trường đại học số đích thực.
Theo Giáo sư Lee Sung-Tae, để xây dựng thành công một trường đại học số đúng nghĩa, cần có sự hình dung và tầm nhìn về mô hình ngôi trường đang hướng tới.
Khi triển khai mô hình này, nhà trường cần hiểu rõ về thực trạng trường của mình, từ đó tăng cường năng lực số cho cả giáo viên, đội ngũ vận hành và sinh viên trước khi triển khai các khóa học trực tuyến.
“Việc vận hành đại học số sẽ đóng góp quan trọng để phát triển nguồn nhân lực ICT. Chúng tôi sẽ hỗ trợ việc phát triển các trường đại học số ở Việt Nam”, Giáo sư Lee Sung-Tae của đại học ảo Seoul Cyber University cho hay.
"Việt Nam cần xây dựng chính phủ AI, thành phố AI" 
Hạ tầng viễn thông đóng góp lớn giúp Việt Nam tăng 15 bậc về Chính phủ điện tử