Hang động được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới: Nơi sở hữu 2.500 bức bích họa trên tường và tượng Phật cao hơn 30m
Với giá trị nghệ thuật và lịch sử to lớn, nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách yêu thích văn hóa và lịch sử trên thế giới.
Hang động Mạc Cao, còn gọi là Thiên Phật động, tọa lạc tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc , nổi tiếng với danh xưng "thư viện trên tường". Nơi đây chứa đựng gần 2.500 bích họa phủ kín trần và tường hang, tạo nên một di sản văn hóa đặc sắc hiếm thấy.
Nằm trên tuyến Con đường Tơ lụa chiến lược thời xưa, các bích họa trong hang Mạc Cao được đánh giá là một kho tàng nghệ thuật và lịch sử. Nếu ghép nối toàn bộ, chúng sẽ tạo thành một bức tranh đa sắc dài gần 30km. Những hình ảnh trên tường hang không chỉ kể về các sự tích Phật giáo, cảnh giảng kinh, thuyết pháp mà còn khắc họa sinh động các "phi thiên" – nhân vật thần thoại bay lượn trên bầu trời.
Hang động Mạc Cao, còn gọi là Thiên Phật động, tọa lạc tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc (Ảnh sưu tầm)
Ngoài ra, bích họa còn miêu tả phong phú đời sống của con người qua hình ảnh thần thú, cây cỏ, cùng các hoạt động giao thương nhộn nhịp dọc Con đường Tơ lụa. Những cảnh chiến trận, khoa học, và nét sinh hoạt thường nhật của cư dân thời xưa cũng được tái hiện đầy sống động, góp phần làm nổi bật giá trị lịch sử và văn hóa của hang động.
Theo đó, hang động Mạc Cao, cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc khoảng 25km, không chỉ nổi tiếng với gần 2.500 bích họa độc đáo mà còn thu hút du khách quốc tế nhờ những hốc đá nhỏ đục trên vách núi, từng là nơi thiền định của các bậc tăng nhân.
Theo truyền thuyết, vào năm Kiến Nguyên thứ hai đời nhà Tần (366), tăng nhân Lạc Tôn trong một lần hành hương đã nhìn thấy ánh hào quang rực rỡ, tựa như ngàn vị Phật tỏa sáng trên ngọn núi. Từ đó, ông bắt đầu khoét núi, tạo ra động thờ Phật đầu tiên.
Từ thời Ngũ Hồ thập lục quốc (304 - 439) cho đến thời Nguyên, suốt mười triều đại, công trình đào khoét và xây dựng hang động tiếp tục được duy trì, biến nơi đây thành một trung tâm văn hóa và Phật giáo quan trọng.
Hang động Mạc Cao, cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc khoảng 25km (Ảnh sưu tầm)
Đến thời nhà Đường (thế kỷ VII), hang động Mạc Cao đã phát triển vượt bậc với hơn 1.000 hang lớn nhỏ, được khắc trực tiếp vào vách đá. Quy mô rộng lớn và số lượng hang động phong phú đã mang lại cho nơi đây một tên gọi khác: "Hang nghìn Phật".
Đặc biệt, do chất liệu đá của núi Tam Nguy quá thô cứng, người xưa đã sáng tạo sử dụng đất nung và thạch cao để chế tác tượng, mang lại những tác phẩm mềm mại và sống động hơn.
Tượng từ thời Bắc Ngụy mang phong cách mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc từ nghệ thuật Ấn Độ. Các pho tượng có dáng vóc cao lớn, trán rộng, mũi cao, lông mày dài, tóc xoăn và thường để ngực trần, tạo nên vẻ đẹp khỏe khoắn, uy nghi.
Đến đời Đường, nghệ thuật điêu khắc tại Mạc Cao đạt đến đỉnh cao. Với hơn 670 pho tượng, chiếm hơn 25% tổng số tượng tại hang, các tác phẩm đời Đường nổi bật bởi sự hài hòa về đường nét và thần thái. Các tượng được chế tác với khuôn mặt đầy đặn, nhu hòa, tai to, mũi thấp, toát lên vẻ trang nghiêm nhưng gần gũi.
Sau thời kỳ Minh – Thanh, hang động Mạc Cao rơi vào quên lãng, bị cát bụi sa mạc vùi lấp suốt hàng thế kỷ. Không ai chú ý đến kho báu văn hóa này cho đến năm 1900, khi Mạc Cao bắt đầu được khôi phục, mở ra hành trình tái sinh kỳ diệu cho di sản độc đáo trên Con đường Tơ lụa.
Sau thời kỳ Minh – Thanh, hang động Mạc Cao rơi vào quên lãng, bị cát bụi sa mạc vùi lấp suốt hàng thế kỷ (Ảnh sưu tầm)
Sau thời kỳ Minh – Thanh, hang động Mạc Cao rơi vào quên lãng, bị cát bụi sa mạc vùi lấp suốt hàng thế kỷ (Ảnh sưu tầm)
Nhìn từ bên ngoài, quần thể hang động hiện lên như một tổ ong khổng lồ, với hàng loạt hốc đá lớn nhỏ đan xen, nằm rải rác trên các vách núi. Nhưng sức hút thực sự của Mạc Cao chỉ bắt đầu khi du khách bước vào bên trong.
Đầu tiên, quần thể gồm 735 hốc đá và 2.415 tác phẩm điêu khắc bằng đất sét màu, mang giá trị nghệ thuật và lịch sử đặc biệt. Tiếp đó, diện tích 45.000m² bích họa tuyệt đẹp phủ kín các vách hang tạo nên một phòng trưng bày nghệ thuật Phật giáo cổ đại quy mô chưa từng có. Các bức bích họa kể lại câu chuyện về đức Phật, cuộc sống và tư tưởng tôn giáo, mang đến cái nhìn toàn diện về tín ngưỡng và nghệ thuật qua từng triều đại.
Các bức bích họa kể lại câu chuyện về đức Phật, cuộc sống và tư tưởng tôn giáo (Ảnh sưu tầm)
Đặc biệt, hang động Mạc Cao lưu giữ hơn 50.000 di tích văn hóa và tượng Phật giáo quý giá, thu hút sự quan tâm của giới học giả và khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới. Nổi bật trong đó là tượng Phật Di Lặc cao 35,5m – bức tượng lớn nhất tại đây. Một điểm nhấn khác là nhóm 5 bức tượng trong hang số 328, được đánh giá là tinh xảo bậc nhất. Trung tâm là tượng Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, hai bên là đại đệ tử Maha Ca Diếp và A-Nan, cùng hai vị Bồ Tát với thần thái uy nghi, từ bi.
Để bảo tồn các di sản quý giá, việc tham quan hang Mạc Cao được tổ chức nghiêm ngặt. Du khách phải tuân thủ các quy định như giữ trật tự, di chuyển theo hàng, không chạm vào tường, và thời gian tham quan mỗi lượt giới hạn trong 60 phút. Khi đến từng phòng, hướng dẫn viên sẽ sử dụng chìa khóa được ban quản lý cấp để mở cửa, đảm bảo sự an toàn và tôn nghiêm cho di tích.
Để bảo tồn các di sản quý giá, việc tham quan hang Mạc Cao được tổ chức nghiêm ngặt. (Ảnh sưu tầm
Năm 1987, hang động Mạc Cao chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ghi dấu ấn như một báu vật của nhân loại. Với giá trị nghệ thuật và lịch sử to lớn, nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách yêu thích văn hóa và lịch sử trên thế giới.
>> Láng giềng Việt Nam biến hang động 3.000m, rộng 130m thành nơi nghiên cứu Mặt Trăng