Hạng mục 'bảo vệ' sân bay Long Thành hơn 16 tỷ USD đón tin vui
Việc hệ thống hàng rào ranh giới khép kín sân bay Long Thành được đẩy nhanh tiến độ nhằm ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm sau khi đã giải phóng mặt bằng đất sạch.
Báo Lao Động cho biết, ngày 25/11, UBND huyện Long Thành xác nhận đối với phần diện tích xây dựng hệ thống hàng rào ranh giới khép kín toàn bộ diện tích 5.000ha của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến nay địa phương đã bàn giao tạm cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV ) diện tích 194,9ha - tương đương với chiều chiều dài 29,7km trên tổng chiều dài 29,8km, đạt tỉ lệ 99,7%.
Trong khi đó, đối với phần diện tích còn lại, huyện Long Thành sẽ tiếp tục rà soát và bàn giao cho ACV khoảng 0,1km.
ACV cho biết hiện đã tổ chức khởi công hạng mục tường rào sân bay Long Thành (gói thầu 2.10) vào ngày 25/10/2024, thời gian thực hiện 360 ngày để hoàn thành vào ngày 25/10/2025.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã từng kiến nghị cần sớm hoàn thành việc xây dựng hàng rào bảo vệ cho toàn bộ diện tích 5.000ha thuộc dự án sân bay lớn nhất Việt Nam, nhằm ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm sau khi đã giải phóng mặt bằng đất sạch.
Dự án sân bay Long Thành đang được triển khai với tổng diện tích thu hồi gần 5.000ha. Trong đó, khoảng 2.910ha thuộc quyền sở hữu của 5.541 hộ gia đình, cá nhân (tương đương 7.211 trường hợp).
Hình ảnh hàng rào ranh giới sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Hà Anh Chiến |
Đến nay, UBND huyện Long Thành đã hoàn tất việc phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ cho toàn bộ các trường hợp này, đạt tỷ lệ 100%.
Về việc bàn giao mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã phối hợp và hoàn tất bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với diện tích 2.532ha, đạt 100% tiến độ.
Liên quan đến hai tuyến đường giao thông kết nối T1 và T2, công tác bàn giao mặt bằng đến thời điểm hiện tại cũng đã cơ bản hoàn thành.
>> Sân bay Long Thành hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam có diễn biến mới
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. Ảnh minh họa |
Cụ thể, tuyến T1 có quy mô 66,45ha, với chiều dài khoảng 3,86km. Trong đó, diện tích đất thuộc sở hữu của các hộ gia đình, cá nhân là 60,56ha, tương ứng với 321 trường hợp.
UBND huyện Long Thành đã hoàn tất phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ cho toàn bộ 321 trường hợp này, bàn giao toàn bộ diện tích 66,45ha cho ACV, đạt tỷ lệ 100%.
Tương tự, tuyến T2 có quy mô 59,68ha, với chiều dài khoảng 3,5km. Trong đó, diện tích đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là 50,42ha, tương ứng với 451 trường hợp.
UBND huyện Long Thành đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho toàn bộ 451 trường hợp và bàn giao toàn bộ diện tích 59,68ha cho ACV, đạt tỷ lệ 100%.
Công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho các hạng mục chính của dự án đang được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng.
Sau khi hoàn thành đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam. Ảnh minh họa |
Thông tin mới nhất trên báo Giao thông cho biết,theo Bộ GTVT, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã khởi công từ đầu năm 2021 và hiện đã hoàn thành việc xây dựng 3/4 dự án thành phần, hiện chỉ còn Dự án thành phần 4 đang triển khai chậm hơn so với kế hoạch.
Trước đó, thông tin trên VTV.vn cho biết, báo cáo của ACV cho thấy hiện nay các gói thầu như nhà ga, đường cất hạ cánh, đường T1-T2... tiến độ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đáng nói, gói thầu đường cất, hạ cánh, đường lăn và sân đỗ đều vượt tiến độ hơn 2 tháng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ 30/4/2025. Trong khi đó, gói thầu nhà ga hành khách phần thô hiện đang lắp kết cấu mái thép, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ 20/8/2026.
Dự án sân bay Long Thành, được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (hoàn thành năm 2026): Đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm, với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD. Giai đoạn 3 (sau 2035): Đạt công suất 100 triệu lượt khách/năm, đưa sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam. Dự án không chỉ góp phần nâng cao năng lực hạ tầng hàng không mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận tải hàng không khu vực.