Thị trường

Hàng xuyên biên giới đổ bộ: Doanh nghiệp nội thích ứng để tăng cạnh tranh

Thuỳ An 05/11/2024 - 16:28

Bên cạnh tạo ra một sân chơi công bằng, các doanh nghiệp nội cũng cần linh hoạt thích ứng để cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại.

Đưa hàng Việt… lên sàn

Livestream để bán hàng, chỉ sau vài tháng, hàng chục sản phẩm bún và phở, những mặt hàng trước nay vốn chỉ bán qua các kênh offline đã được đông đảo khách hàng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài biết tới và chọn mua.

"Trước đây tôi bán chủ yếu ở kênh offline, những quán ăn hay healthy hay kênh đại lý. Nhờ vào sàn thương mại điện tử chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp cận hơn từ khách trong và ngoài nước", bà Lê Thị Mỹ Ngọc - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tú Trinh Food chia sẻ.

Hơn 2 năm trước, những sản phẩm OCOP địa phương chỉ tiêu thụ quanh ở trong tỉnh. Từ khi tham gia xúc tiến thương mại, đặc biệt bán hàng trực tuyến thì đã có thể vươn xa cả nước.

"Từ khi bán hàng online, trong gần 3 năm trở lại đây, doanh số về hàng online cơ bản tăng vọt, gần như gấp đôi, những khách hàng tiếp cận họ thấy rất uy tín", bà Vũ Minh Tú - Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Nguyên cho hay.

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết: "Chúng tôi đánh giá đối với các doanh nghiệp mới tham gia họ cũng có nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên sau khi đã tham gia được một số mặt hàng họ đánh giá sự tăng trưởng rất tốt do thị trường rộng lớn, đối tượng được tiếp cận với hàng hóa nhiều".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. 46% chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP, doanh thu bán hàng tăng bình quân gần 30%.

Hàng xuyên biên giới đổ bộ: Doanh nghiệp nội thích ứng để tăng cạnh tranh - Ảnh 1.

Thương mại điện tử là một trong những kênh tiêu thụ hàng Việt tiềm năng cho doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết: "Chúng tôi mời các chuyên gia của Shopee, Sendo, Tiktok về An Giang để hướng dẫn cho bà con. Đồng thời chúng tôi tổ chức họp trực tuyến nhiều lần để họ phổ biến các quy định của sàn thương mại điện tử đó nói riêng và của quy định pháp luật nói chung".

Mở rộng được thị trường tiêu thụ, tiếp cận được lượng lớn người dùng không cả trong nước mà cả ở nước ngoài rõ ràng là những lợi thế mà các sàn thương mại điện đem lại. Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa ra biển lớn cũng gặp nhiều thách thức khi thương mại điện tử cũng là cánh cửa để hàng hóa các nước tiếp cận người dùng Việt.

Cuộc đổ bộ của hàng giá rẻ xuyên biên giới

Trung bình mỗi tháng, cửa hàng trực tiếp và cả trực tuyến của chị Chu Phương Linh - Sáng lập Thời trang LINN Design tiêu thụ từ 1.000-3.000 sản phẩm quần áo thời trang thiết kế. Bên cạnh việc đầu tư chi phí thiết kế, cửa hàng, nhân viên, chị cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.

"Mình vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của cửa hàng, doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khoảng 8-12 triệu đồng/tháng. Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký đang có lợi thế lớn" chị Linh nói.

Cùng một mẫu quần tương tự, tuy nhiên, một số gian hàng quốc tế trên sàn thương mại điện tử đang bán giá chỉ chưa đầy 300.000 đồng. Trong khi, cửa hàng thời trang Queenky chỉ khi khuyến mãi cuối mùa mới có thể bán được giá này, vì chi phí thường xuyên như thuê cửa hàng, nhân viên khá lớn, do đó, không thể thường xuyên giảm giá.

"Các sàn thương mại điện tử thường có chiến dịch giảm giá sâu, người bán quốc tế cũng không cần phải mất chi phí thuê mặt bằng, nhân viên nên giá thành sản phẩm tối ưu hơn", chị Đinh Thu Phương - Quản lý Cửa hàng Thời trang Queenky chia sẻ.

Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, hàng ngày đang có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Điều này vô hình chung tạo nên áp lực cạnh tranh không hề nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Việt Nam trên chính sân nhà.

Phát biểu tại Quốc hội hôm 29/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bỏ quy định về miễn thuế VAT với hàng nhập giá trị nhỏ nhập khẩu. Đối với hàng hoá nhỏ, đều phải nộp thuế.

Theo ông Trần Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Natural House, thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ xác định được doanh số đầu ra là bao nhiêu. Và từ doanh số đầu ra đó, chúng ta bắt đầu đóng thuế thu nhập cũng như nhiều khoản khác nhau.

"Mình nghĩ việc áp dụng thuế VAT đối với các doanh nghiệp quốc tế là rất cần thiết, dù là đơn hàng nhỏ hay lớn, bởi vì nó tạo cuộc chơi công bằng", ông Lâm cho biết.

Trong thông báo mới phát đi, Tổng cục Thuế nhấn mạnh sẽ thu đúng, thu đủ thuế với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo Tổng cục Thuế, trường hợp nhà cung cấp nước ngoài khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Thích ứng để tăng cạnh tranh

Bên cạnh những chính sách thuế nhằm tạo ra một "sân chơi công bằng", theo các chuyên gia, sự thay đổi, thích ứng của các doanh nghiệp nội là một yếu tố quan trọng để có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

"Nhiều sàn nữa sẽ xuất hiện ở Việt Nam nhiều hơn. Người dùng có thể tiếp cận với nhiều hàng hoá, nhiều sự lựa chọn hơn, nhiều nhà cung cấp hơn. Đối với những nhà bán lẻ, đặc biệt lợi thế "địa phương" tại Việt Nam, chúng ta nên tập trung vào câu chuyện thương hiệu, câu chuyện hậu mãi…", ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng giám đốc Accesstrade nhận định.

Ông Hưng cũng cho biết, mặc dù có mức giá rẻ hơn nhưng không có nghĩa là các sàn mới sẽ có lợi thế tuyệt đối bởi lẽ người dùng hiện nay cũng có những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi chất lượng tốt cả ở sản phẩm cũng như dịch vụ hậu mãi. Do đó, nếu chủ động, sự xuất hiện của các sàn xuyên biên giới có thể giúp nhà cung cấp những mặt hàng chất lượng từ Việt Nam bước ra thế giới.

"Cá nhân tôi tin rằng là đối với sản phẩm Việt Nam mà cùng chất lượng, bất cứ ai trong chúng ta người tiêu dùng Việt sẽ lựa chọn hàng Việt để sử dụng", ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Theo Bộ Công thương, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%.

Hàng xuyên biên giới đổ bộ: Doanh nghiệp nội thích ứng để tăng cạnh tranh - Ảnh 3.

Hàng Việt được đón nhận tích cực qua kênh truyền thống lẫn kênh thương mại điện tử (Ảnh minh hoạ)

Qua khảo sát của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đa số người bán hàng đánh giá, sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua đạt 80%, có thương hiệu uy tín đạt 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại đạt 47%, giá bán cạnh tranh đạt 39%. Trên 50% số người được hỏi đã đánh giá, doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới và cải tiến trong năm qua. Điều này cho thấy, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đón nhận, sử dụng hàng Việt.

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các nền tảng thương mại điện tử cũng đang triển khai nhiều chương trình để hưởng ứng cuộc vận động "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Một số sàn hỗ trợ mạnh mẽ cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng miền thông qua các chương trình livestream cùng người nổi tiếng như "Tinh Hoa Việt Du Ký" của Shopee hay Chợ phiên OCOP của TikTok Shop.

Đồng thời, nhiều sàn còn kết hợp với các Bộ, Ban, Ngành để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số doanh nghiệp Việt, giúp họ nắm bắt và tận dụng công nghệ để mở rộng phạm vi phủ sóng. Đơn cử gồm có chương trình "Shopee hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa" (Shopee enables SMEs) với mục tiêu đào tạo 100.000 SME trên khắp cả nước. Mới đây, Shopee còn "bắt tay" với YouTube để ra mắt chương trình YouTube Shopping Affiliate tại Việt Nam nhằm hỗ trợ người bán và các thương hiệu gia tăng điểm chạm với người tiêu dùng, cũng như nâng cao trải nghiệm khám phá và tương tác với các sản phẩm.

>> Livestream bán 3 tấn đồ gỗ thủy tùng quý hiếm, 2 đối tượng ở Đắk Lắk bị khởi tố

Livestream bán 3 tấn đồ gỗ thủy tùng quý hiếm, 2 đối tượng ở Đắk Lắk bị khởi tố

Có nên xem livestream là một nghề và cần cấp phép cho KOL?

Theo vtv.vn
https://vtv.vn/thi-truong/hang-xuyen-bien-gioi-do-bo-doanh-nghiep-noi-thich-ung-de-tang-canh-tranh-20241105151815855.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hàng xuyên biên giới đổ bộ: Doanh nghiệp nội thích ứng để tăng cạnh tranh
    POWERED BY ONECMS & INTECH