Hành trình từ Mivina đến VinFast: Tầm nhìn 'đỉnh cao' của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
"Khi mình rời đi, thị phần của mình trong mảng mì ăn liền khoảng trên 90%, bột canh quanh 80%; 7 năm liền mình giữ thị phần hầu như không giảm", ông Vượng từng chia sẻ về sự thành công của Mivina.
Chủ tịch Tập đoàn VinGroup ông Phạm Nhật Vượng, người được biết đến là tỷ phú giàu nhất Việt Nam, đã xây dựng nên một hành trình sự nghiệp đáng kinh ngạc. Ông không chỉ đưa tên tuổi cá nhân vượt khỏi biên giới mà còn mang theo tham vọng nâng tầm thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới. Từ thành công rực rỡ với thương hiệu mì ăn liền Mivina tại Ukraine cho đến bước tiến lớn với VinFast – hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam, mỗi cột mốc trong sự nghiệp của ông đều chứng minh tầm nhìn táo bạo và quyết tâm không giới hạn.
Xây dựng Mivina tại Ukraine là khởi đầu cho bước tiến định hình thị trường bất động sản cao cấp tại Việt Nam
Vào những năm 1990, trong bối cảnh Ukraine đối mặt với khủng hoảng kinh tế, ông Phạm Nhật Vượng nhận ra cơ hội từ nhu cầu về các sản phẩm tiện lợi. Ông sáng lập công ty Technocom và tung ra thị trường thương hiệu mì ăn liền Mivina. Nhờ sự kết hợp giữa chất lượng và giá cả hợp lý, Mivina nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và trở thành sản phẩm chủ lực của hàng triệu gia đình Đông Âu.
Ông từng kể lại: “Thời điểm đó, các cửa hàng ở Ukraine đều trống rỗng. Chúng tôi phải sử dụng thùng mì để bày lên kệ trông cho đẹp, nhưng điều này vô tình giúp sản phẩm được quảng bá miễn phí khắp cả nước”. Chỉ sau chưa đầy một thập kỷ, doanh thu của Technocom đạt mức 150 triệu USD.
Hình ảnh tỷ phú Phạm Nhật Vượng thời trẻ trên tờ Tin tức Kharkov (Ukraina). Ảnh: Kharkov.ua |
Năm 2009, ông quyết định bán lại Technocom cho tập đoàn Nestlé với mức giá không được tiết lộ. Số tiền này đã trở thành nguồn vốn quan trọng giúp ông xây dựng những dự án lớn hơn khi trở về Việt Nam.
"Khi mình rời đi, thị phần của mình trong mảng mì ăn liền khoảng trên 90%, bột canh quanh 80%; 7 năm liền mình giữ thị phần hầu như không giảm. Trong khi đối thủ có lúc chi đỉnh điểm 34 triệu USD cho quảng cáo, mình chi khoảng 2 triệu USD, mà chủ yếu là để mua áo lông ngỗng phát cho đội bán hàng ngoài chợ; vậy mà đối thủ hầu như không chiếm được thị phần của mình", ông cho biết.
Về lý do bán Technocom, ông Vượng từng rằng: "Khoảng 2008 có vụ máy bay Airbus của Air France bị rơi xuống biển không tìm được. Tôi nghĩ, mình cũng bay suốt như vậy, nhỡ máy bay rơi không tìm được thì có phải khổ vợ con không? Lúc ấy trong nước cũng nhiều việc. Tôi muốn làm hẳn mọi việc đến đầu đến đũa".
Sau khi trở về quê hương, Phạm Nhật Vượng nhận ra tiềm năng chưa được khai thác trong lĩnh vực bất động sản. Từ những dự án đầu tiên như Vinpearl Nha Trang đến hệ thống khu đô thị phức hợp Vinhomes, ông đã xây dựng nên một hình mẫu hoàn toàn mới về phong cách sống hiện đại tại Việt Nam.
Vinpearl tại đảo Hòn Tre, Nha Trang (Khánh Hòa) - Dự án đầu tiên của Tập đoàn Vingroup ở Việt Nam |
Vinpearl không chỉ là khu nghỉ dưỡng mà còn tích hợp dịch vụ giải trí, mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho khách hàng. Vinhomes không chỉ cung cấp nhà ở mà còn tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh với các tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, đáp ứng mọi nhu cầu của cư dân.
Không thể không nhắc tới sự thành công của Vincom Retail trong hệ sinh thái này. Sau 20 năm, Vincom đã có mặt ở 48/63 tỉnh thành trên cả nước với 88 trung tâm thương mại. Năm 2024, Vincom Center Bà Triệu vinh dự "góp mặt" trong triển lãm "thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”, là một trong những công trình biểu tượng tiên phong cho ngành bán lẻ hiện đại tại thủ đô Hà Nội.
Nhờ chiến lược khác biệt hóa sản phẩm, Vingroup nhanh chóng vươn lên trở thành biểu tượng của những dịch vụ cao cấp tại Việt Nam, không chỉ về quy mô mà còn ở chất lượng và dịch vụ.
Tham vọng toàn cầu với xe điện VinFast và chưa dừng lại
Không dừng lại ở bất động sản, Phạm Nhật Vượng tiếp tục đưa Vingroup tiến vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất ô tô điện – một thị trường đầy cạnh tranh và đòi hỏi sự đổi mới. Ông nhận ra xu hướng toàn cầu chuyển dịch sang năng lượng xanh và quyết tâm biến VinFast thành biểu tượng xe điện của Việt Nam.
Chỉ trong vòng 21 tháng, VinFast đã giới thiệu dòng xe đầu tiên ra thị trường, một kỳ tích trong ngành công nghiệp ô tô. Từ đó, các mẫu xe như VF e34, VF5, VF6, VF8, VF9 không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng đến Mỹ và châu Âu – những thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Sau 7 năm, những chiếc xe điện xuất xưởng từ nhà máy của VinFast đã đi ra thế giới, tỷ lệ nội địa hoá đạt tới 60% và sẽ nâng lên 84% vào năm 2026. Có thể nói, ông Phạm Nhật Vượng là người đã biến ''giấc mơ'' ô tô của Việt Nam thành sự thật.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng hai người con trai |
Tuy nhiên, sản phẩm không phải là yếu tố duy nhất làm nên thành công của VinFast. Ông xây dựng cả một hệ sinh thái hỗ trợ từ các trạm sạc điện, dịch vụ hậu mãi, đến việc hợp tác với những đối tác công nghệ hàng đầu như Siemens, Bosch, Pininfarina, NVIDIA.
Bên cạnh đó, ông đã cho ra mắt Công ty Xanh SM - đơn vị cho thuê phương tiện giao thông xanh và đặt xe điện đa nền tảng đầu tiên trên thế giới. Không chỉ Việt Nam, thương hiệu này đã và đang dần chinh phục khách hàng tại thị trường Đông Nam Á.
Chưa dừng lại, mới đây, ông tiếp tục thành lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng người máy VinRobotics. Đây là bước đi chiến lược, đánh dấu sự có mặt của Vingroup với thị trường robot đầy tiềm năng, được định giá 7.000 tỷ USD vào năm 2050. Đây cũng là cuộc chơi của những công ty tên tuổi trên thế giới như Tesla, BYD,... Khi ông Phạm Nhật Vượng bắt tay vào làm ô tô, không ít người đã hoài nghi. Bởi thế, khi VinRobotics ra đời, chúng ta có quyền kỳ vọng về một robot của Việt Nam với logo chữ V đầy kiêu hãnh .