Xã hội

Hé lộ 'siêu cầu' 19.300 tỷ kết nối 2 địa phương giàu bậc nhất Việt Nam thay cho hầm vượt sông

Linh Chi 03/05/2025 08:13

Công trình đóng vai trò là trục kết nối giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và Đồng Nai – hai địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã chính thức thông qua kế hoạch xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Hiện nay, phà Cát Lái là tuyến vận chuyển trọng yếu hiện tại nối TP. Hồ Chí Minh với Đồng Nai. Xây dựng cầu Cát Lái sẽ thay thế phà và giúp kết nối 2 địa phương thuận tiện hơn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình triển khai công trình hạ tầng giao thông trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ .

Hé lộ 'siêu cầu' 19.300 tỷ kết nối 2 địa phương giàu bậc nhất Việt Nam thay cho hầm vượt sông - ảnh 1
Mô phỏng cầu Cát Lái. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai.

Quyết định này được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích tổng thể giữa ba giải pháp gồm xây cầu, hầm dìm và hầm khoan. Theo phương án được duyệt, cầu Cát Lái có tổng chiều dài 11,37km, bao gồm cả phần đường dẫn hai đầu cầu.

Riêng phần cầu vượt sông dài hơn 3km, được thiết kế với độ tĩnh không thông thuyền đạt 55m cho phép tàu thuyền lớn lưu thông dễ dàng. Cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, bảo đảm lưu thông thông suốt và an toàn.

Điểm đầu của cầu đặt trên đường Nguyễn Thị Định, thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM), cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m; điểm cuối nối vào tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Vị trí kết nối này mang ý nghĩa chiến lược, góp phần nâng cao khả năng liên kết vùng và giảm áp lực cho hệ thống giao thông hiện hữu.

Trước khi lựa chọn phương án xây cầu, các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã đồng thời phân tích các giải pháp hầm vượt sông, bao gồm hầm dìm và hầm khoan.

Phương án xây dựng hầm vượt sông được đánh giá là kém hiệu quả hơn về mặt kinh tế và kỹ thuật. Cụ thể, hầm dìm có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 24.500 tỷ đồng, hầm khoan còn tốn kém hơn khi chi phí lên đến hơn 33.000 tỷ đồng.

Bên cạnh chi phí lớn, các phương án này còn đối mặt với những rào cản kỹ thuật. Hầm dìm yêu cầu phải đào sâu khoảng 3m dưới đáy sông với chiều dài lên tới 800m - gấp đôi chiều dài hầm Thủ Thiêm, khiến việc thi công trở nên phức tạp và rủi ro cao. Hầm khoan còn đòi hỏi phải xuyên sâu hàng chục mét dưới lòng đất để bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, chi phí vận hành và bảo trì hằng năm của hầm vượt sông được ước tính lên tới 100 tỷ đồng.

Hé lộ 'siêu cầu' 19.300 tỷ kết nối 2 địa phương giàu bậc nhất Việt Nam thay cho hầm vượt sông - ảnh 2
Phà Cát Lái. Ảnh: Internet.

Như thế, phương án cầu được ưu tiên bởi có tính khả thi cao hơn về mặt kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu tư. Ngoài ra, phương án này cũng giảm thiểu chi phí phát sinh từ việc giải phóng mặt bằng so với hai phương án còn lại.

Tổng mức đầu tư cầu Cát Lái dự kiến là 19.391 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng tại TP.HCM khoảng 3.611 tỷ đồng, tại Đồng Nai khoảng 2.967 tỷ đồng. Phần xây dựng cầu chính ước tính khoảng 9.034 tỷ đồng. Khoảng 3.779 tỷ đồng còn lại sẽ dành cho tuyến đường nối từ trạm thu phí đến điểm cuối dự án. Tổng nguồn vốn đầu tư công dự kiến phục vụ giải phóng mặt bằng và xây dựng tuyến nối là 10.357 tỷ đồng. Đoạn từ điểm đầu dự án đến trạm thu phí (9.034 tỷ đồng) sẽ được triển khai theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Dự án cầu Cát Lái được kỳ vọng giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực phà Cát Lái trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, công trình còn đóng vai trò là trục kết nối giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và Đồng Nai – hai địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người.

Dự án cũng được xem là cú hích quan trọng trong quá trình đô thị hóa của huyện Nhơn Trạch, nơi được định hướng trở thành đô thị vệ tinh hiện đại trong quy hoạch vùng TP.HCM mở rộng.

Vùng Đông Nam Bộ hiện đang được xem là "mỏ vàng" lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư. Tính đến ngày 31/10/2024, khu vực này đã thu hút hơn 21.000 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt trên 189 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Không những thế, Đông Nam Bộ còn là khu vực kinh tế giàu có nhất Việt Nam. Tổng thu ngân sách nhà nước trong toàn vùng ước tính đạt hơn 733.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,2% tổng thu của cả nước. Đặc biệt, 5 trong số 6 địa phương trong khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng thu ngân sách.

Trong số các tỉnh thành trong vùng, Đồng Nai và TP.HCM nổi bật với tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước, khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế khu vực và quốc gia.

>>Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam chính thức hợp long cây cầu vượt biển dài nhất miền Trung

Sắp khánh thành cây cầu 625m cao nhất thế giới ở nước gần Việt Nam: Di chuyển qua hẻm núi chỉ trong 1 phút, là kỳ tích vượt ‘vết nứt Trái đất’

Xuống cấp nghiêm trọng, cây cầu 100 tuổi ở miền Bắc VN sẽ bị phá dỡ sau khi cầu mới trị giá 1.800 tỷ hoàn thiện

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/he-lo-sieu-cau-19300-ty-ket-noi-2-dia-phuong-giau-bac-nhat-viet-nam-thay-cho-ham-vuot-song-141571.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hé lộ 'siêu cầu' 19.300 tỷ kết nối 2 địa phương giàu bậc nhất Việt Nam thay cho hầm vượt sông
    POWERED BY ONECMS & INTECH