Hé lộ thời điểm ‘nâng đời’ dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gần 100km
Dự án này có chiều dài 98,3km, trong đó, tuyến qua tỉnh Quảng Trị dài 36,3km, qua Thừa Thiên Huế dài 62,05km.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 5121/BKHĐT-PTHTĐT để để xin ý kiến thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án mở rộng cao tốc  Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất.
Công văn này được phát đi chỉ sau 2 ngày làm việc kể từ khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn theo đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I (2017-2020) cũng chỉ được khánh thành vào ngày cuối cùng của năm 2022.
>> TP. HCM sẽ có thêm tuyến tàu điện nối sân bay Tân Sơn Nhất đến Công viên Văn hoá Đầm Sen? 
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, Bộ Xây dựng được đề nghị cho ý kiến về sơ bộ tổng mức đầu tư, suất đầu tư, phương pháp tính sơ bộ tổng mức đầu tư, trong đó làm rõ sự phù hợp của các khoản mục chi phí đầu tư xây dựng tại Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,3km, trong đó, tuyến qua tỉnh Quảng Trị 36,3km, Thừa Thiên Huế 62,05km.
Hiện nay, đoạn Cam Lộ - La Sơn đang khai thác với phần lớn đoạn tuyến có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m; các đoạn nền đào sâu có quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường 23,25m, bề rộng mặt đường 11m; các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23,25m, bề rộng mặt đường 21,25m.
Dẫn tin từ báo Đầu Tư, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đánh giá: “Quy mô tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn rõ ràng là không đáp ứng được nhu cầu vận tải tăng cao, nâng cao năng lực khai thác và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến”.
Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Dự án cần áp dụng cơ chế đặc thù nêu trên để rút ngắn thời gian và đảm bảo nguồn cung vật liệu, thúc đẩy giải ngân, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT: “Hiện nay, tuyến đã cơ bản giải phóng mặt bằng. Nếu được chấp thuận các cơ chế chính sách này, dự án sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị vào cuối năm 2024 để có thể lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công vào đầu năm 2025; hoàn thành công trình vào cuối năm 2025 (không bao gồm thời gian bị ảnh hưởng của mưa, lũ”.
>> Quận rộng nhất Hà Nội sắp có hầm chui dẫn tới cầu Vĩnh Tuy gần 750 tỷ đồng