Hệ thống thủy lợi tự chảy gần 6.000 tỷ đồng hiện đại nhất khu vực, ‘giải khát’ cho ‘chảo lửa’ khô hạn nhất Việt Nam
Từ khi vận hành, hệ thống thủy lợi này đã cơ bản giải bài toán khô hạn ở nhiều vùng núi phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận.
Nhắc đến vùng đất Ninh Thuận, ai từng đặt chân đến đây đều cảm nhận được sự khắc nghiệt của vùng khí hậu "xavan" – nơi có lượng mưa ít nhất cả nước, chỉ khoảng 700mm/năm, trong khi lượng bốc hơi lên tới 1.400mm/năm. Nguồn nước ngầm cũng chỉ bằng 1/3 mức trung bình cả nước, khiến cuộc sống và sản xuất của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn.
Tại các huyện khô hạn nhất như Ninh Sơn, Phước Sơn và Bác Ái, mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau. Trong thời gian này, hàng chục nghìn hộ dân phải chật vật tìm kiếm nước sinh hoạt, trong khi những cánh đồng nứt nẻ, khô cằn buộc người dân phải bỏ hoang vì cây trồng không thể tồn tại. Ngay cả loài cừu – vật nuôi nổi tiếng chịu hạn tốt – cũng không trụ nổi, gục ngã giữa những đồng cỏ cháy vì đói khát.
Để "giải hạn" cho vùng đất khô cằn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã phối hợp với các chuyên gia khảo sát, nghiên cứu và triển khai dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ gồm đập dâng Tân Mỹ và hệ thống dẫn, chuyển nước, đưa nước từ đập dâng Tân Mỹ đến vùng hưởng lợi nằm trên địa bàn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải và TP. Phan Rang - Tháp Chàm, thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Theo Báo Nông nghiệp, GS. TS Phan Sỹ Kỳ - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, công trình đập Tân Mỹ bắt đầu thi công từ tháng 6/2019 đến khoảng tháng 12/2020 là hoàn thành khối lượng đổ bê tông. Đó là kỷ lục  rất lớn của ngành thủy lợi. So với phương pháp đắp đập đất truyền thống, bê tông đầm lăn cho phép thi công xuyên suốt cả mùa mưa lẫn mùa khô, giúp đẩy nhanh tiến độ đáng kể.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng mức đầu tư 5.951 tỷ đồng, là công trình đa mục tiêu, liên tỉnh có ý nghĩa quan trọng, là trái tim của thủy lợi  Ninh Thuận. Trong đó, hồ Sông Cái có dung tích trữ 219 triệu m3, lớn hơn tổng dung tích 21 hồ chứa hiện có của tỉnh Ninh Thuận.
Đặc biệt, công trình đập Tân Mỹ kế thừa được tất cả những ưu điểm giải pháp bê tông đầm lăn trên thế giới và Việt Nam (từ kinh nghiệm xây dựng hồ Nước Trong, Định Bình, Bản Mồng...). Đây là đập bê tông dài nhất Việt Nam, xây dựng đẹp nhất và chất lượng thuộc loại tốt nhất.
Bằng chứng là sau khi làm xong công trình, Hội đồng thẩm định đã khoan mỗi đập phụ 1 lỗ từ đỉnh xuống tận đáy (riêng đập chính khoan 2 lỗ) để kiểm tra, kết quả được các chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đánh giá ở mức rất tốt so với các “siêu công trình” đập bê tông thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát…
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cũng là công trình đầu tiên của Việt Nam được đầu tư hệ thống dẫn nước bằng ống kín để phục vụ tưới cho vùng hạ du. Điểm đầu là hệ thống đập dâng Tân Mỹ và điểm cuối ở huyện Thuận Bắc.
Đặc biệt, ống thép có đường kính lên tới 2m, chịu được áp lực rất lớn. Bởi đập hồ chứa nước sông Cái được xây dựng tại cao trình 100m so với mực nước biển, vận tốc nước min là 44m/giây. Trong khi đó, đập nhà máy thủy điện sông Đà thấp hơn rất nhiều nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng vỡ đường ống dẫn nước.
Hệ thống này có nhiệm vụ tưới cho 7.480ha hạ lưu, tiếp nước hệ thống thủy nông Nha Trang – Lâm Cấm, các hồ Cho Mo, Thành Sơn, Bà Rây, Sông Trâu, Ông Kinh; đồng thời, tạo nguồn nước cho thủy điện tích năng Bác Ái và hai nhà máy thủy điện. Hệ thống cũng tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh (Khánh Hòa), giúp giảm nhẹ lũ hạ lưu và nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ không chỉ đảm bảo mỹ quan mà còn là minh chứng cho sự tiên tiến trong công nghệ xây dựng và cơ khí. Nhiều chuyên gia cho rằng đúng như tên gọi, công trình mang vẻ đẹp "hoàn mỹ", phản ánh bản lĩnh và trí tuệ của người Việt Nam. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng một công trình đồ sộ và kỳ vĩ như vậy nhưng không để xảy ra một thương vong nào.
>> Bên trong 'chợ đầu mối xây trên đất công trình thủy lợi 10 năm không ai biết'