Hết quý I/2022, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam đạt 3,3 triệu tỷ đồng

20-05-2022 11:34|Mai Trang

Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm.

Tại Hội thảo ‘Phát triển Thị trường trái phiếu Doanh nghiệp hiệu quả và bền vững” chiều 19/5/2022, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung - dài hạn cho tổ chức kinh tế song song với thị trường vốn vay ngân hàng.

Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm.

Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu - chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy song quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp qua đó làm chậm nhịp phục hồi và phát triển cũng như chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 của quốc gia.

Dẫn số liệu nghiên cứu của Ngân hàng ADB, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho biết, thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Đến hết tháng 3 năm 2022, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 3,3 triệu tỷ đồng - tương đương khoảng 37,4% GDP trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tương đương 14,8% GDP.

Tuy nhiên, so với các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, quy mô thị trường trái phiếu doanh ngiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển bởi nhu cầu về vốn trung và dài hạn rất lớn trong thời gian tới.

Vấn đề đặt ra hiện nay là trong các năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển tương đối nóng nên rất cần có giải pháp để kiểm soát.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, quy mô phát hành trái phiếu đã giảm, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy thị trường đã được kiểm soát chặt chẽ và đã giảm nhiệt.

Về vấn đề pháp lý, theo ông Lực, thực tế pháp lý đã phát triển tương đối nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường song vẫn cần những quy định pháp lý cao hơn.

Theo Chiến lược tài chính đến năm 2030, dư nợ trái phiếu cần đạt quy mô 47% GDP vào năm 2025 (trong đó trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP) và 58% GDP năm 2030 (trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP). Hơn nữa, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được đánh giá tốt, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% đến năm 2030 (Nghị quyết Đại hội 13).

Không những vậy, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung - dài hạn (ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung - dài hạn).

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn. Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thế nào để phát triển lành mạnh hơn.

Chuyển đổi số để các doanh nghiệp có thêm sức bật, phát triển

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/het-quy-i2022-du-no-thi-truong-trai-phieu-viet-nam-dat-33-trieu-ty-dong-126524.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hết quý I/2022, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam đạt 3,3 triệu tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH