Vĩ mô

Hết tháng 5, ước giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 30% kế hoạch

Phùng Xuân 31/05/2024 11:15

Tính đến hết tháng 5/2024, ước lũy kế giải ngân khoảng 7.555 tỷ đồng, tức đạt 27,76% kế hoạch. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Xây dựng nông thôn mới khoảng 2.411 tỷ đồng, CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3.755 tỷ đồng CTMTQG Giảm nghèo bền vững là 1.389 tỷ đồng.

Nội dung trên nằm trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu từ nguồn NSNN tháng 4, ước thực hiện tháng 5 kế hoạch năm 2024.

Nhiều nơi chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Theo Bộ Tài chính, một số tỉnh, thành phố đã tích cực cải thiện đáng kể tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, 09 tỉnh lũy kế giải ngân đến hết tháng 4/2024 đạt tỷ lệ từ 30% trở lên, gồm Hậu Giang (72%), Ninh Thuận (50%), Vĩnh Long (44%), Bạc Liêu (37%), Sơn La (34%), Yên Bái (34%), An Giang (33%), Bến Tre (32%), Lâm Đồng (30%).

Bên cạnh đó, còn 10 tỉnh lũy kế giải ngân đến hết tháng 4/2024 đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 10%). Trong đó, Cà Mau, Bình Phước tỷ lệ giải ngân là 0%. Đây cũng là 02 địa phương chưa thực hiện phân bổ kế hoạch vốn (Cà Mau chưa phân bổ vốn CTMTQG Xây dựng nông thôn mới, Bình Phước chưa phân bổ vốn CTMTQG Giảm nghèo bền vững).

Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm này, Bộ đã nhận được báo cáo phân bổ vốn là 26.161,9 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ là 1.058,1 tỷ dồng. Trong đó, Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên minh hợp tác xã Việt Nam chưa thực hiện phân bổ vốn; Các địa phương Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Nguyên nhân chưa phân bổ hết vốn được chỉ ra là do các Dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Hết tháng 5, ước giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 30% kế hoạch - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các CTMTQG đã được cải thiện đáng kể, nhưng nguồn vốn sự nghiệp giải ngân vẫn rất thấp, còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng đặt ra.

Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, hiện nay, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cụ thể, còn một số cơ chế trung ương chưa ban hành, địa phương còn vướng mắc trong thực hiện như: Quy định về đối tượng người có lao động thấp thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề tại CTMTQG Giảm nghèo bền vững đang được Bộ LĐTBXH chủ xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; đối tượng và nội dung hỗ trợ thực hiện CTMQG Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình và Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.

Cần đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư thực hiện các CTMTQG, trước đó, Bộ Tài chính đã có các văn bản nhận xét phân bổ kế hoạch đầu tư năm 2024 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, Bộ Tài chính đã có ý kiến đề nghị các tỉnh phân bổ danh mục dự án thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn và nội dung hỗ trợ; Bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện theo đúng quy định

Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo phân bổ các nội dung hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 (số lượng, định mức hỗ trợ) thực hiện các Dự án, Tiểu dự án, Nội dung thành phần đảm bảo theo đúng Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg.

Trường hợp vướng mắc có văn bản gửi cơ quan chủ trì quản lý Chương trình (Ủy ban Dân tộc) và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì Dự án, Tiểu dự án, Nội dung thành phần thuộc Chương trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...) đảm bảo phân bổ vốn CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đúng quy định.

Bên cạnh đó, không bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước; Không bố trí vốn đầu tư công cho các dự án bảo dưỡng, sửa chữa (đề nghị bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp) theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm cổ phiếu ngành hạ tầng giao thông: Bứt phá nhờ triển vọng đầu tư công

Cổ đông Eximbank sắp được nhận cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm

'Đại gia tiền mặt' nhóm VN30 lên phương án trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 60%

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/het-thang-5-uoc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-chua-dat-30-ke-hoach-123049.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hết tháng 5, ước giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 30% kế hoạch
    POWERED BY ONECMS & INTECH