Hình ảnh đường ven sông Sài Gòn trước đề xuất nâng cấp lên 10 làn xe
Tại khu vực trung tâm, tuyến đường ven sông Sài Gòn có nhiều nhà và công trình cơ bản nhưng cũng có một số "chướng ngại vật".
Dự án nghiên cứu về ý tưởng cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 mới được gửi đến UBND TPHCM. Một trong những đề xuất được đưa ra là xây dựng tuyến giao thông ven sông Sài Gòn có tổng chiều dài 78,2km, điểm đầu từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi), đi dọc theo sông Sài Gòn đến điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1).
Theo nghiên cứu của nhà đầu tư, tuyến đường này cần được điều chỉnh lên 8-10 làn xe nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, tạo ra trục giao thông động lực mới ven sông Sài Gòn.
Tại khu vực nội thành, đoạn đường ven sông Sài Gòn qua trung tâm thành phố dài gần 2km, kết nối từ đường Tôn Đức Thắng, quận 1 tới khu Tân Cảng, quận Bình Thạnh (đi qua 2 khu dân cư Saigon Pearl và Vinhomes).
Trong đó, khu vực đường ven sông qua khu dân cư Vinhomes (dài gần 1km) sở hữu hạ tầng khang trang cùng công viên Vinhomes Central Park. Với không gian rộng lớn, ngập tràn mảng xanh, nơi đây được xem là một trong những công viên đẹp nhất thành phố.
Mặc dù đoạn đường này có nhiều khu nhà và công trình cơ bản nhưng đa số là đường nội bộ cùng những "chướng ngại vật". Một trong số đó là bức tường cao khoảng 2,5m, ngăn cách giữa hai khu dân cư Saigon Pearl và Vinhomes (đoạn cuối đường Trần Trọng Kim).
Bức tường hiện do chủ đầu tư dự án Saigon Pearl quản lý, kéo dài từ bờ sông Sài Gòn vào phía trong. Các phương tiện muốn lưu thông qua khu vực này buộc phải đi vòng ra đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Ngoài ra, các công trình như sân golf sát bờ sông, khu cảng Ba Son cũ cũng làm đứt quãng tuyến đường ven sông.
Tuyến đường đề xuất nếu được hình thành sẽ mở ra hướng đi mới từ cầu Sài Gòn vào khu trung tâm, tạo thêm không gian cho người dân tiếp cận dòng sông.
Theo phương án nghiên cứu sơ bộ, để làm đường ven sông từ cầu Ba Son đến đường chui dưới cầu Sài Gòn cần khoảng 1.780 tỷ đồng.
Cũng theo đề xuất, điểm đầu của tuyến đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ đường Vành đai 3 đến cầu Bến Súc (tỉnh Bình Dương), sẽ được bổ sung thành 2 hướng kết nối.
Hướng kết nối tỉnh Bình Dương kết thúc tại cầu Bến Súc (giữ nguyên theo định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060) kết nối vào đường tỉnh 744 (thuộc Bình Dương).
Hướng kết nối với tỉnh Tây Ninh cũng được đề xuất kết nối theo tỉnh lộ 6 (thuộc TPHCM) hướng về phía Tây Ninh, sau đó kết nối vào đường tỉnh 789 (thuộc tỉnh Tây Ninh).
Đây cũng chính là quốc lộ 22C theo định hướng phát triển mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, vị trí định hướng xây dựng đường ven sông qua ngoại ô thành phố đa phần là đất nông nghiệp. Điều này sẽ giúp thuận tiện hơn trong việc giải phóng mặt bằng, tiết kiệm chi phí.
Những đoạn đường ven sông Sài Gòn qua địa bàn Củ Chi đa phần là đất đỏ, địa phương thường xuyên gia cố lại.
Nếu được triển khai, dự án có kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian đi lại của người dân, khai thác được khoảng 15.000ha đất hoang hóa tại Củ Chi, thúc đẩy phát triển kinh tế khu Tây Bắc TPHCM.
Với tầm nhìn xa, việc thực hiện đường ven sông kết nối các huyện ngoại thành và tỉnh lân cận được kỳ vọng giúp trung tâm TPHCM phát triển cân xứng về mặt cảnh quan, giao thông, xứng tầm là đô thị đứng đầu cả nước.
Con đường cũng tạo ra trục giao thông động lực mới ven sông Sài Gòn.
>>Đường ven sông Sài Gòn trước đề xuất nâng cấp lên 10 làn xe
Đường ven sông Sài Gòn trước đề xuất nâng cấp lên 10 làn xe 
Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn có 8-10 làn xe, dài hơn 78km