Khoảng 80% tài sản của Xây dựng Hòa Bình (HBC) được xây lên từ nợ. Với việc tăng lỗ sau kiểm toán 2022, nhiều khả năng vốn chủ sở hữu của HBC sẽ giảm về dưới 1.000 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC  - HOSE) mới đây công bố báo cáo tài chính kiểm toán sơ bộ năm 2022 với doanh thu thuần đạt 14.149 tỷ đồng - tăng 26 tỷ so với trước kiểm toán. Tuy nhiên, lỗ sau thuế công ty mẹ bất ngờ tăng gấp 2,3 lần so với báo cáo tự lập lên mức 2.594 tỷ đồng.
Dự trình ĐHCĐ thường niên 2023 tổ chức chiều 27/6 tới đây, Tập đoàn Hòa Bình đề ra kế hoạch doanh thu 7.500 tỷ đồng - giảm 47% so với thực hiện năm 2022 và kỳ vọng lợi nhuận sau thuế ở mức 100 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1, doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải  ghi nhận 1.194 tỷ đồng doanh thu và tiếp tục lỗ sau thuế thêm 445 tỷ. Điều này đồng nghĩa với việc Hòa Bình phải lãi ít nhất 550 tỷ đồng trong 3 quý còn lại để có thể về đích kế hoạch.
Lần duy nhất tổng lợi nhuận 3 quý cuối năm của công ty vượt ngưỡng 550 tỷ đồng đã từ 2017 (đạt 691 tỷ). Năm đó, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế kỷ lục 860 tỷ đồng.
Với những khó khăn từ chính nội tại và các yếu tố bên ngoài, việc công ty có thể hoàn thành con số 100 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 vẫn còn là dấu hỏi.
Chất lượng dòng tiền và câu chuyện bị chiếm dụng vốn
Trở lại câu chuyện lỗ ròng tăng mạnh sau kiểm toán, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình giảm 1.353 tỷ so với trước kiểm toán về mức 15.573 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu giảm 1.447 tỷ còn 1.196 tỷ đồng - tương ứng giảm 70,5% so với năm 2021.
Tới đây, các thay đổi này sẽ được cập nhật trong kỳ báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 của công ty.
Trước mắt tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của HBC giảm về mức 15.697 tỷ đồng so với đầu năm. Trong số này, lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn chỉ còn chưa đến 250 tỷ trong khi đầu năm ở mức 540 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng nhẹ lên gần 2.400 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 6,8% còn 11.286 tỷ đồng.
Đáng nói, giá trị "các khoản phải thu ngắn hạn" của Hòa Bình sau quý 1/2023 đang chiếm gần 72% tổng tài sản công ty và chiếm 80% cơ cấu tài sản ngắn hạn.
Thêm vào đó, từ quý 3/2021 trở lại đây, danh mục "trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi" của Xây dựng Hòa Bình đã liên tục tăng (từ mức 348 tỷ đồng lên 786 tỷ trong quý gần nhất).
Nợ xấu tăng lên, tỷ lệ "các khoản phải thu ngắn hạn" trong cơ cấu tài sản ngắn hạn luôn duy trì mức 75 - 80% cho thấy Xây dựng Hòa Bình đang bị chiếm dụng nguồn vốn kinh doanh bởi các khách hàng/đối tác;...
Yếu tố khác là việc từ năm 2017 đến nay, Hòa Bình luôn duy trì mức tổng nợ từ 11.000 - 13.000 tỷ đồng (gấp 2,5 - 5 lần vốn chủ sở hữu). Với việc tăng lỗ kiểm toán năm 2022 và lỗ thêm 450 tỷ trong quý 1/2023, tạm tính đến ngày 31/3 vừa qua, lỗ lũy kế của HBC đã vượt mức 2.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu giảm về mức 750 tỷ và tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu có thể tăng vọt lên mức 16 - 18 lần.
Một doanh nghiệp Top đầu làng thầu xây dựng với khoảng 80% tài sản được xây lên từ nợ (phần lớn số này lại "đắp chiếu" trong danh mục phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho); một doanh nghiệp từng tham vọng tiến công thị trường xây dựng châu Á - đang đứng trước áp lực trả nợ khổng lồ;... Và khi sóng gối sóng liên tiếp ập đến, Xây dựng Hòa Bình có còn cơ hội để trở lại ngôi đầu hay sẽ tiếp tục bị Coteccons, Fecon, Ricons, Newtecons bỏ lại?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết gần nhất!
Kinh nghiệm một trader: "Thà mua trần BMP giá 87 còn hơn bắt sàn HBC giá 8.7" 
Xây dựng Hòa Bình (HBC) thay đổi một loạt nhân sự cấp cao 
Xây dựng Hòa Bình (HBC) khẳng định số liệu doanh thu 2023 là đáng tin cậy