Sáng 10/12/2021, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đã họp cổ đông bất thường thông qua điều chỉnh phương án đầu tư Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa – dự án quy mô lớn nhất của tập đoàn.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 12.000 tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là 10.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch ban đầu, dự án chia làm 3 giai đoạn với mức vốn đầu tư lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 7.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, tổng công ty sẽ sử dụng 5.500 tỷ đồng vốn tự có, tương đương 55% tổng vốn đầu trong đó 3.000 tỷ đồng sẽ góp trong năm sau từ nguồn lợi nhuận để lại và 2.500 tỷ đồng còn lại sẽ góp tiếp trong năm 2023 - 2024 từ nguồn lợi nhuận để lại hoặc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Đến cuối tháng 9, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Hóa chất Đức Giang là hơn 1.813 tỷ đồng.
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, dù đã dự kiến vay Vietcombank 4.500 tỷ đồng, Đức Giang có thể sẽ không sử dụng hết hạn mức. Công ty sẽ sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho dự án hoặc phát hành cho cổ đông.
"Chúng tôi không sống bằng đòn bẩy tài chính, tỷ lệ dư nợ cho vay luôn rất thấp và đảm bảo an toàn", Chủ tịch Đào Hữu Huyền chia sẻ.
Tình hình kinh doanh của DGC trong thời giam qua là tương đối tốt, nợ vay tiếp tục thu hẹp sau các quý; vốn chủ liên tục tăng đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh
Tổ hợp dự kiến được khởi công xây dựng từ quý I năm sau và kéo dài đến năm 2028. Sản phẩm của dự án là xút rắn và nhựa PVC dẻo. Diện tích mặt bằng dự kiến sử dụng là 80 ha. Trong giai đoạn 1, công ty dự kiến sản xuất các sản phẩm như xút rắn, nhựa PVC, Chloramin B... mang về doanh thu khoảng 8.723 tỷ đồng và lợi nhuận thu về 1.800 tỷ đồng.
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh, ông Huyền chia sẻ sau hai tháng 10 và 11/2021, lợi nhuận sau thuế của DGC ước đạt 1.000 tỷ đồng. Cả năm, tập đoàn dự kiến sẽ đạt lợi nhuận sau thuế kỷ lục 2.400 tỷ đồng.
Trước đó, như dự kiến trong quý IV/2021, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu cao với doanh thu hợp nhất ước khoảng 3.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 600 tỷ đồng. Số lãi dự kiến trong quý IV này còn cao hơn rất nhiều so với lãi đạt được trong các quý vừa qua.
Người đứng đầu Đức Giang cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2023 khi kỉ niệm 65 năm thành lập, cổ phiếu DGC kỳ vọng có thể vào nhóm VN30 trên sàn HOSE.
Kết thúc đại hội, cổ đông thông qua tất cả tờ trình.
Liên quan đến DGC, mới nhất, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa thông báo đã bán hơn 9 triệu cổ phiếu DGC trong tổng số hơn 15 triệu cổ phiếu đăng ký trong thời gian từ ngày 8/11 đến 7/12. Sau giao dịch, số cổ phiếu nắm giữ của Vinachem giảm xuống còn 6 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 3,53% vốn tại DGC.
Vinachem cho biết, do thị trường chứng khoán biến động mạnh nên chưa thực hiện giao dịch hết hơn 15 triệu cổ phiếu đã đăng ký. Tạm tính theo giá DGC trong thời gian thực hiện giao dịch, Vinachem có thể thu về khoảng 1.500 tỷ đồng sau thương vụ thoái vốn này.
Vinachem chọn thời điểm thoái vốn tại Hóa chất Đức Giang khi giá cổ phiếu này đang tăng mạnh và thiết lập đỉnh lịch sử ở mốc 177.500 đồng/cổ phiếu (phiên 10/12). Tính riêng trong ba tháng qua, cổ phiếu DGC đã tăng hơn 50% giá trị, còn nếu so với giá hồi đầu năm thì mã này đã tăng gấp 4 lần.
Diến biến giá cổ phiếu DGC từ đầu năm 2021.
Đối thủ của Hóa chất Đức Giang (DGC) vượt đỉnh lịch sử, thị giá tăng 188% sau 1 năm 
Hóa chất Đức Giang (DGC) được dự báo 'hốt bạc' từ các siêu dự án bán dẫn tỷ đô